TP HCMSau tai nạn giao thông, vùng lưng, mông, cánh tay của anh Bình, 33 tuổi, xuất hiện 7 vết sẹo lồi gây biến dạng bề mặt da.
ThS.BS Huỳnh Công Trí, Đơn vị Da liễu – Thẩm mỹ Da, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, khám ghi nhận anh Bình có 7 vết sẹo lồi ở lưng, cánh tay và mông, kích thước sẹo từ 2×3 cm tới 5×8 cm.
Bác sĩ Trí chỉ định điều trị cho anh Bình bằng tiêm hoạt chất triamcinolone – một loại corticoid có khả năng làm mềm, giảm kích thước mô sẹo lồi, giảm đỏ và ngứa. Triamcinolone giúp thoái triển sẹo lồi thông qua nhiều cơ chế khác nhau bao gồm ức chế phản ứng viêm, giảm tổng hợp collagen, glycosaminoglycan và ức chế sự tăng sinh nguyên bào sợi. Thuốc được pha loãng với nước muối sinh lý để đạt nồng độ thích hợp và tiêm vào trong mô sẹo lồi.
Phác đồ điều trị cho anh Bình gồm 5 buổi tiêm, mỗi buổi cách nhau một tháng. Sau khi được ủ tê và sát trùng vùng da cần điều trị, bác sĩ tiêm trực tiếp thuốc vào trong mô sẹo. Mỗi điểm tiêm cách nhau khoảng 1 cm để đảm bảo thuốc phân bố đều.
Sau một lần tiêm, anh Bình giảm ngứa và đau 50%. Sau 4 lần tiêm, sẹo giảm độ dày khoảng 60-70%, có chỗ phẳng gần hoàn toàn.

Bác sĩ Trí đánh giá hiệu quả điều trị cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Sẹo lồi là loại sẹo nổi gồ ghề trên bề mặt da do mô sợi tăng sinh quá mức trong quá trình lành vết thương. Khi da bị thương, mô sợi hình thành để hồi phục, lấp đầy vùng mô khuyết lõm. Tuy nhiên, ở một số người có cơ địa đặc biệt, các mô sợi này tăng sinh quá mức, tạo thành khối cứng, co kéo mô xung quanh, tiếp tục to dần dù vết thương đã lành. Loại sẹo này có xu hướng phát triển chậm, lan rộng trong nhiều tuần, vài tháng, vài năm. Một số trường hợp sẹo lồi có thể phát triển nhanh chóng, tăng gấp 3 lần trong vài tháng.
Sẹo lồi có thể gặp ở mọi lứa tuổi, xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể nhưng thường xảy ra ở những vùng da chịu lực căng như vai, ngực, lưng trên, sau cổ, trước xương ức, dái tai… Tỷ lệ mắc sẹo lồi cao hơn đáng kể trong thời kỳ mang thai và tuổi dậy thì.
Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh mỗi tháng điều trị khoảng 300 trường hợp sẹo lồi, sẹo phì đại, chủ yếu đang trong giai đoạn ngứa, đỏ. Tiêm triamcinolone là một trong những phương pháp thường được sử dụng nhất để điều trị sẹo lồi không phẫu thuật, với hiệu quả cao. Nhiều trường hợp bác sĩ có thể kết hợp thêm laser nhuộm xung, tiêm botox, áp lạnh với nitơ lỏng… để tăng hiệu quả giảm ngứa và làm mờ sẹo. Tuy nhiên, sau điều trị, sẹo phẳng vẫn có nguy cơ tái phát trong vài năm đầu.
Bác sĩ Trí khuyến cáo nếu có cơ địa dễ bị sẹo lồi hoặc người thân từng mắc tình trạng này, người bệnh nên thận trọng trong việc chăm sóc để phòng ngừa sẹo lồi hình thành sau chấn thương da hoặc phẫu thuật. Hạn chế thực hiện các thủ thuật xâm lấn không cần thiết như xỏ khuyên tai, xăm hình hoặc phẫu thuật thẩm mỹ. Không nên tự điều trị sẹo lồi, sẹo phì đại bằng các phương pháp dân gian như thoa các loại thuốc tẩy nốt ruồi, rượu thuốc… lên bề mặt sẹo. Người bị sẹo lồi nên khám và điều trị với bác sĩ chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da để giảm nguy cơ sẹo nặng hơn hoặc gặp các biến chứng khác.
Mọi vết thương trên da, dù nhỏ cũng cần được chăm sóc cẩn thận ngay từ đầu, tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ giúp da phục hồi nhanh chóng và hạn chế nguy cơ hình thành sẹo lồi.
Đức Trí
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu – thẩm mỹ da tại đây để bác sĩ giải đáp |
Nguồn: https://vnexpress.net/tiem-corticoid-chua-phang-seo-loi-4909305.html