Hà NộiLoạt dự án nhà xã hội đang hoặc sắp triển khai có thể giúp Hà Nội thêm 12.000 căn hộ giá rẻ, chủ yếu ở khu vực phía bắc thành phố.
Sau 5 năm kết hôn, vợ chồng anh Nghĩa, chị Thủy tích góp được khoảng 700 triệu đồng để mua một căn hộ tại Hà Nội. Với số tiền này, chị khó có thể mua một căn chung cư thương mại mới, khi mặt bằng giá phần lớn lên đến hơn 70 triệu đồng mỗi m2 như hiện tại.
Theo thống kê của hãng tư vấn bất động sản CBRE tính đến hết quý I, giá bán trung bình căn hộ sơ cấp tại Hà Nội đạt 75 triệu đồng một m2 (chưa gồm VAT, phí bảo trì), tăng thêm 3% so với quý trước đó. Còn theo Savills, 5 năm qua, giá bán sơ cấp chung cư Hà Nội tăng trung bình 22% một năm.
Chị Thủy ước tính để mua một căn hộ mới có 2 phòng ngủ, diện tích 60 m2, gia đình phải vay thêm 3-3,5 tỷ đồng, tương ứng với số tiền gốc, lãi tối thiểu mỗi tháng 30 triệu đồng. “Điều này vượt khả năng chi trả, thu nhập của gia đình”, chị Thủy chia sẻ.
Bởi vậy, chị mong có thể trúng được suất mua nhà ở xã hội mới, sau khi đã nộp đơn đăng ký một dự án tại vùng ven Hà Nội. Đây cũng là hy vọng của nhiều lao động, gia đình trẻ hiện nay trong bối cảnh từ 2021 đến cuối năm ngoái, nguồn cung chung cư bình dân, nhà giá rẻ gần như biến mất ở thị trường Thủ đô.
Nửa đầu 2025, nguồn cung loại nhà ở này bắt đầu phục hồi khi loạt dự án được khởi công, lên kế hoạch mở bán. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, thành phố có thể hoàn thành vượt chỉ tiêu năm nay với hơn 4.700 căn từ 6 dự án nhà xã hội tại các khu vực như Bắc Từ Liêm, Long Biên, Đông Anh, Mê Linh (trước khi sắp xếp chính quyền hai cấp).
Một số chủ đầu tư thông báo kế hoạch tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuê, mua nhà xã hội trong thời gian tới. Một trong những dự án được quan tâm nhất ở Hà Nội hiện nay là khu nhà xã hội tại phường Bồ Đề (trước đây là phường Thượng Thanh, Long Biên) với quy mô 1.980 căn. Dự án có thể hoàn thành 600 căn hộ trong năm nay và toàn bộ công trình vào quý IV/2027.
Theo đại diện chủ đầu tư, đến tháng 5, website dự án có gần 70.000 lượt truy cập – báo hiệu tỷ lệ chọi rất cao vào đợt mở bán sắp tới. Đây cũng là dự án có giá cao nhất tại Hà Nội từ trước đến nay với mức dự kiến khoảng 27 triệu đồng một m2. Như vậy, mỗi căn hộ tại đây dao động từ 864 triệu đồng (căn 32 m2) đến 2 tỷ (77 m2).
Được khởi công từ cuối năm ngoái, nhà xã hội UDIC tại khu đô thị Hạ Đình sẽ tiếp nhận hồ sơ đăng ký trong quý IV. Khu này có mức giá dự kiến khoảng 25 triệu đồng một m2. Căn diện tích lớn nhất (70 m2) khoảng 1,75 tỷ đồng, thấp hơn một nửa so với dự án chung cư thương mại đã bàn giao ở khu vực lân cận.
Khu vực cửa ngõ phía bắc Thủ đô cũng đang có loạt dự án được triển khai và dự kiến đóng góp nguồn cung nhà xã hội trong ngắn hạn. Tại phiên họp thường niên đầu tháng 6, lãnh đạo Viglacera cho biết đã có kế hoạch mở bán khu nhà xã hội hơn 1.100 căn tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh (trước sáp nhập) vào tháng 10 với giá dự kiến 18,4 triệu đồng một m2.
Cách đó chưa đến 10 km, hai khu nhà xã hội với tổng vốn hơn 16.000 tỷ đồng, quy mô 6.000 căn cũng được các liên danh của Viglacera và KBC đăng ký thực hiện. Thủ tục chọn nhà đầu tư và khởi công cả hai dự án chậm nhất được thực hiện vào tháng 9.
Nguồn cung phục hồi nhưng giá nhà xã hội lại có xu hướng tăng. 3 năm trước, giá mở bán dưới 20 triệu đồng một m2, thì đến nay liên tục xuất hiện dự án 25-27 triệu đồng mỗi m2. Thậm chí, dự án ở xã Kim Hoa, huyện Mê Linh (trước sáp nhập) cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 km, giá bán tạm tính cũng trên 20 triệu đồng một m2.
Lý giải về nguyên nhân giá nhà xã hội tăng cao, lãnh đạo Cục Quản lý Nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết thực trạng trên có thể do chi phí phát triển hạ tầng và giải phóng mặt bằng. Ông nêu một số trường hợp chủ đầu tư phải giải phóng mặt bằng, tái định cư, nên tính các chi phí này vào giá thành, làm tăng giá bán.
Ngoài ra, nếu chủ đầu tư phải tự bỏ tiền làm hạ tầng kỹ thuật, giá nhà cũng cao hơn so với dự án chỉ cần phát triển trên quỹ đất sạch sẵn có.
Cùng với đó, theo đại diện Bộ Xây dựng, doanh nghiệp cũng phải chịu thêm các chi phí phát sinh do thời gian thực hiện dự án kéo dài, chi phí đầu vào tăng mạnh như nhân công, vật liệu, nhất là trong bối cảnh một số vật liệu xây dựng thời gian qua cũng tăng mạnh.
Anh Tú
Nguồn: https://vnexpress.net/nguon-cung-nha-o-xa-hoi-tang-tro-lai-4909186.html