Chiều cao 1,62 m, cân nặng chỉ 45 kg, Lệ, 31 tuổi, sốc khi nhận kết quả chỉ số cholesterol gấp hai lần bình thường, rối loạn mỡ máu.
“Tôi luôn tự tin mình miễn nhiễm với béo phì và bệnh tật vì ăn nhiều thế nào cũng không tăng cân”, Lệ, ở Vĩnh Phúc, chia sẻ. Niềm tin này đã khiến cô sống với thói quen ít vận động, bỏ bữa sáng thường xuyên và thay cơm bằng trà sữa, đồ chiên rán cùng bánh ngọt.
Hồi tháng 6, khi kiểm tra sức khỏe định kỳ, Lệ nhận về phiếu xét nghiệm cho thấy cholesterol cao gấp đôi mức bình thường – 9,8 mmol/l, khi ngưỡng an toàn chỉ dưới 5,1 mmol/l.
Khi không tin vào kết quả, Lệ đến bệnh viện kiểm tra lại. Bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phương Đông, Hội Bệnh mạch máu Việt Nam, giải thích rằng mỡ máu không liên quan trực tiếp đến thể hình. Mỡ xấu có thể âm thầm tích tụ trong mạch máu dù cơ thể gầy gò, đe dọa sức khỏe tim mạch và tăng nguy cơ đột quỵ.
Khôi, 34 tuổi, là một ví dụ khác. Nhân viên kinh doanh này chạy bộ đều đặn mỗi sáng, cơ thể săn chắc, không hút thuốc, không uống rượu và hạn chế tinh bột. Tuy nhiên, anh lại có thói quen ăn nhiều thịt đỏ và nội tạng động vật với niềm tin rằng hoạt động thể thao sẽ “đốt sạch” những thực phẩm này.
Hồi đầu tháng 7, giữa buổi chạy, Khôi bất ngờ đau nhói ngực trái, cảm giác lan ra cánh tay kèm chóng mặt và tim đập nhanh. Kết quả khám cho thấy chỉ số cholesterol của anh lên tới 8,9 mmol/l, điện tim có dấu hiệu thiếu máu cơ tim nhẹ – báo động nguy cơ nhồi máu cơ tim nếu không điều chỉnh ngay lập tức chế độ ăn nhiều nội tạng.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Y học hiện đại gọi những trường hợp như Lệ và Khôi là MONW (Metabolically Obese Normal Weight) – “gầy nhưng chuyển hóa như người béo phì”. Nghiên cứu mới nhất từ Đại học Kyungpook National, Hàn Quốc, công bố trên tạp chí Diabetes & Metabolism cho thấy tỷ lệ MONW ở người châu Á cao hơn so với phương Tây, dao động từ 15-30% dân số trưởng thành, với Việt Nam chiếm khoảng 21%.
Rối loạn mỡ máu, dù có thể trạng gầy hay béo, đều là tình trạng bất thường của lượng lipid trong máu. Chúng bao gồm sự gia tăng của cholesterol xấu (LDL-C), triglyceride hoặc suy giảm cholesterol tốt (HDL-C). Theo số liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỡ máu cao liên quan đến 48% trường hợp tai biến mạch máu não và 56% ca thiếu máu cơ tim trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 153.000 người bị mỡ máu. Đặc biệt, khảo sát của Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM trên 700 người từ 30-69 tuổi có BMI bình thường (18,5-25) cho thấy đến 77,8% đối tượng này vẫn bị rối loạn mỡ máu – con số đáng báo động về hiểm họa “ẩn” trong cơ thể người gầy.
Bác sĩ Dương Minh Tuấn, Khoa Nội tiết và Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, chỉ ra nguyên nhân chính gây MONW là mỡ nội tạng – loại mỡ nguy hiểm tích tụ quanh gan, ruột, tim mà mắt thường không thể nhận biết. Nghiên cứu công bố trên Journal of Clinical Endocrinology & Metabolism cho thấy người châu Á có xu hướng tích mỡ nội tạng cao hơn 30-40% so với người phương Tây ở cùng chỉ số BMI, bác sĩ Tuấn nói.
Ngoài mỡ nội tạng, tình trạng đề kháng insulin – khi cơ thể không còn nhạy cảm với hormone điều hòa đường huyết – cũng khiến gan tăng sản xuất chất béo, đẩy cao triglyceride và gây gan nhiễm mỡ. Quá trình này diễn ra âm thầm trong nhiều năm mà không gây triệu chứng rõ ràng. Các yếu tố khác bao gồm di truyền, tiêu thụ nhiều đường ẩn, rối loạn nội tiết, stress mạn tính và mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột.
“Nhiều người nghĩ rằng chỉ cần BMI bình thường là an toàn, nhưng thực tế các nghiên cứu mới từ Đại học Tokyo cho thấy nhóm MONW có nguy cơ tim mạch cao hơn 30% so với người có cùng BMI nhưng chuyển hóa bình thường,” bác sĩ Mạnh cảnh báo. Theo một phân tích gộp công bố trên Journal of American Heart Association năm 2024, người MONW có nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch tăng 50% so với người có cân nặng và chuyển hóa bình thường.

Minh họa cholesterol tích tụ trong máu. Ảnh: My Health My Life
Việc kiểm soát chặt các bệnh nền như huyết áp, mỡ máu trở thành “chìa khóa vàng” trong phòng ngừa đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Kết quả nghiên cứu từ Đại học Harvard theo dõi 27.000 người trong 15 năm chỉ ra rằng kiểm soát tốt chỉ số cholesterol có thể giảm 40% nguy cơ đột quỵ và 35% nguy cơ nhồi máu cơ tim, bất kể thể trạng gầy hay béo.
Đối với những người như Lệ và Khôi, thay đổi lối sống là bước đi đầu tiên và quan trọng nhất, như cần duy trì chế độ ăn giàu rau xanh, trái cây tươi, hạn chế muối và chất béo bão hòa; tập luyện thể dục đều đặn mỗi ngày; tránh căng thẳng kéo dài và thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ, đặc biệt là xét nghiệm mỡ máu – ngay cả khi thể hình không có dấu hiệu béo phì.
Thúy Quỳnh
Nguồn: https://vnexpress.net/suc-khoe-cam-nang-mo-mau-cao-o-nguoi-gay-4908529.html