Mẹ tôi kể ông ngoại tôi như vầng trăng khuất sau mây, để lại khoảng trời thương nhớ khi tôi còn là mầm xanh chưa kịp hé.

Những ngày cuối đời, bà ngoại về ở với con gái, vì người già cần có người chăm sóc 24/24 – Ảnh: LƯƠNG ĐÌNH KHOA
Ông nội như cơn gió thoảng, chỉ kịp vỗ về tôi những bước chập chững đầu đời. Học THPT, tôi trọ học ở trường chuyên của tỉnh, xa nhà 40km. Bà nội mất năm tôi học lớp 12, vướng thi tốt nghiệp tôi không về kịp. Trong bức tranh cây cao bóng cả của gia đình giờ chỉ còn mỗi bà ngoại.
Bà ngoại đã ngoài 90 và cứ ngày một tiều tụy, yếu dần đi. Da bà nhăn nheo như tấm lụa cũ sờn. Tóc bà bạc trắng, mỏng tang, chỉ còn lưa thưa vài sợi. Khi bà về ở với con gái – là mẹ tôi, nhìn mẹ và bố chăm bà tôi mới cảm nhận được nhiều điều về cuộc sống, nhất là đối với người già.
Bà hay lẫn. Có hôm bà gọi tôi là ông ngoại, rồi lại khóc nức nở, nói nhớ ông. Có hôm bà lại cười khanh khách, kể chuyện ngày xưa đi xem hát chèo, như một đứa trẻ được quà. Có hôm bà nhìn tôi lạ lẫm, hỏi “Cậu là ai?”, rồi ôm chầm lấy tôi, gọi “cháu yêu”. Những lúc ấy tôi thấy bà như em bé, cần được dỗ dành, vỗ về.
Tôi nhớ như in cái gian hàng nhỏ xíu ngày xưa của bà ngoại, nằm nép mình bên con đường làng. Tan học tôi hay rẽ vào thăm bà. Bà ngồi đó, đôi mắt nheo nheo sau làn khói bếp, nụ cười móm mém hiền hậu. Và thế nào trong túi áo tôi cũng đầy ắp những thanh kẹo lạc, ngọt ngào và giòn tan. Những viên kẹo ấy, không chỉ là quà vặt mà còn là tình yêu thương vô bờ bến của bà.
Khi tôi đi học xa nhà, mỗi lần về thăm, bà lại dúi vào tay tôi những đồng tiền lẻ gom góp từ những buổi bán hàng. Bà nói: “Cháu cứ cầm lấy mà tiêu, học hành cho giỏi vào. Phải cố gắng học tập, phải sống thiện lương, tử tế”. Những đồng tiền ấy không nhiều nhưng chứa đựng cả tấm lòng của bà.
Cuộc đời bà ngoại, như một dòng sông dài, chảy qua bao ghềnh thác. Nhưng bà vẫn giữ được sự lạc quan, yêu đời, vẫn gieo mầm yêu thương cho con cháu. Bà ngoại tôi luôn biết ơn những gì mình có, dù là những điều nhỏ bé nhất. Bà biết ơn những người đã giúp đỡ bà, những người đã yêu thương bà.
Bà thường nói cuộc đời bà đã trải qua nhiều thăng trầm, nhưng bà vẫn cảm thấy hạnh phúc vì có một gia đình ấm áp, có những người con, người cháu hiếu thảo. Bà nói gia đình là nơi chúng ta tìm thấy sự bình yên, hạnh phúc.
Giờ thì mắt bà gần như mờ hẳn, không nhìn thấy nữa. Bà cũng không tự đi lại được, không còn khoe mỗi sáng thể dục tay chân đến cả trăm lần với tôi nữa. Không gian của bà giờ chỉ vỏn vẹn trên chiếc giường nhỏ. Bà lẫn nhiều hơn, không tự lo được nữa. Bố mẹ vất vả hơn.
Nhưng mỗi lần tôi về, nhìn mẹ xúc cơm cho bà, tôi thấy lòng bình yên. Bữa cơm chậm rãi, từng thìa, từng thìa. Bà ăn ít, nuốt khó nhưng vẫn cố. Tôi ngồi bên cạnh, nhìn bà, nghĩ về đời người. Bao nhiêu buồn vui, bao nhiêu hận thù, bao nhiêu yêu thương, cả khi vinh quang lẫn khi cay đắng, rốt cuộc cũng như gió như mây – trôi ngang và trôi qua.
Và khi ấy, điều cần hơn cả là sự yêu thương, nâng niu, trân trọng – vì trong đời mỗi người chỉ có một gia đình để yêu thương.
Vì sự tồn tại của cha mẹ mình là duy nhất – mất đi không bao giờ có lại.
Vì ai rồi cũng đi đến tuổi già mong manh…
Nguồn: https://tuoitre.vn/ai-roi-cung-di-den-tuoi-gia-mong-manh-20250706101413057.htm