Việt Nam thử nghiệm lâm sàng thuốc điều trị sốt xuất huyết Dengue

Công ty Hyundai Bioscience (Hàn Quốc) và các cơ sở y tế hàng đầu tại Việt Nam đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác về thử nghiệm lâm sàng đối với thuốc điều trị sốt xuất huyết Dengue.

Theo đó, một nghiên cứu lâm sàng kết hợp giai đoạn tiếp theo sẽ sớm được khởi động, với 210 bệnh nhân được chẩn đoán dương tính với sốt xuất huyết Dengue bằng kỹ thuật PCR làm đối tượng nghiên cứu

Quyết định thử nghiệm được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với tình hình dịch bệnh cấp bách. Chỉ riêng tại TP HCM, số ca sốt xuất huyết từ đầu năm đến ngày 11/5 đã lên tới 7.398 ca, tăng 136% so với cùng kỳ năm ngoái. Viện Pasteur cảnh báo hiện tượng La Niña có thể khiến dịch bùng phát sớm hơn một, hai tháng.

Loại thuốc được đưa vào thử nghiệm có tên mã là CP-COV03 (tên thương mại XAFTY). Hoạt chất chính là Niclosamide – một loại thuốc đã được FDA Mỹ cấp phép từ lâu. Tuy nhiên, Niclosamide ở dạng thông thường gần như không thể dùng để điều trị các bệnh toàn thân do sinh khả dụng (mức độ thuốc được hấp thụ vào máu) quá thấp, dưới 10%.

Hyundai Bioscience đã giải quyết bài toán này bằng công nghệ dẫn truyền dược chất (DDS) độc quyền, giúp “hồi sinh” hoạt chất cũ. Công nghệ này giúp tăng sinh khả dụng của Niclosamide lên hơn 5 lần, đảm bảo thuốc đạt nồng độ cần thiết trong máu để tiêu diệt virus.

Các nhà khoa học làm việc tại trung tâm nghiên cứu và phát triển của Hyundai Bioscience ở Hàn Quốc. Ảnh: Hyundai Bioscience

Các nhà khoa học làm việc tại trung tâm nghiên cứu và phát triển của Hyundai Bioscience ở Hàn Quốc. Ảnh: Hyundai Bioscience

Điểm đột phá của thuốc nằm ở chỗ nó không tấn công trực tiếp virus, mà kích hoạt cơ chế “tự thực bào” (autophagy) của chính tế bào người. Nói cách khác, nó ra lệnh cho các tế bào bị nhiễm phải tự “dọn dẹp” và tiêu hủy các hạt virus bên trong. Cơ chế này giúp thuốc miễn nhiễm trước các đột biến của virus, một ưu điểm so với các thuốc kháng virus truyền thống. Trong phòng thí nghiệm, hoạt chất này đã chứng minh hiệu quả trên hơn 30 loại virus khác nhau.

Trước khi đến Việt Nam, CP-COV03 cũng đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai cho bệnh nhân Covid-19 tại Hàn Quốc với những số liệu lạc quan. Nghiên cứu trên 300 bệnh nhân cho thấy thuốc giúp giảm 56,65% tải lượng virus trong cơ thể sau 16 giờ sử dụng liều đầu tiên (p-value: 0.0185). Nó cũng rút ngắn thời gian phục hồi 12 triệu chứng chính của bệnh từ 3,5 đến 5 ngày so với nhóm dùng giả dược.

Về độ an toàn, thử nghiệm, không ghi nhận tác dụng phụ nghiêm trọng (SAE) nào. Liều dùng hàng ngày của thuốc thấp hơn 8,6 lần so với ngưỡng liều an toàn tối đa, cho thấy một hồ sơ an toàn khả quan.

Thử nghiệm tại Việt Nam sẽ được tiến hành theo mô hình “rổ” (basket trial) – một phương pháp tiên tiến cho phép đánh giá đồng thời hiệu quả của thuốc trên nhiều bệnh như sốt xuất huyết và các bệnh giống sốt xuất huyết.

Dr. Jin Geun-woo, CEO của Hyundai Bioscience, cho biết: “Chúng tôi hy vọng thử nghiệm này sẽ mang lại kết quả tích cực cho bệnh nhân sốt xuất huyết”. Trong khi đó, Dr. Benard Pécoul, Giám đốc điều hành DNDi, bày tỏ tin tưởng sự hợp tác sẽ mang lại những kết quả quan trọng cho y tế toàn cầu.

Sự kiện này được các chuyên gia đánh giá là một bước tiến lớn, có thể giúp Việt Nam trở thành một trung tâm nghiên cứu và phát triển thuốc điều trị bệnh truyền nhiễm quan trọng tại châu Á. Nếu thành công, các bên sẽ xúc tiến việc xin cấp phép sử dụng khẩn cấp thông qua WHO và ASEAN.

Thế Đan

Ra đời vào năm 2000, Hyundai Bioscience là công ty công nghệ sinh học Hàn Quốc tập trung vào việc phát triển các liệu pháp kháng virus và điều trị ung thư thế hệ mới. Nền tảng của công ty là công nghệ độc quyền về hệ dẫn truyền thuốc (DDS), giúp tối ưu hóa tác dụng và khả năng hấp thụ của các hoạt chất trong cơ thể.

Với mạng lưới hoạt động quốc tế, công ty có trụ sở chính tại Seoul, văn phòng tại California (Mỹ) và là một đơn vị được niêm yết trên sàn chứng khoán Kosdaq của Hàn Quốc (mã: 048410).

Điều hành công ty là Tiến sĩ Jin Geun-woo, một nhà khoa học uy tín với kinh nghiệm nghiên cứu tại các đại học danh tiếng ở Mỹ. Chuyên môn sâu của ông về hoạt chất Niclosamide được minh chứng qua việc ông là tác giả của 8 công trình nghiên cứu về chất này trong tổng số hơn 37 bài báo khoa học quốc tế mà ông đã công bố.

Nguồn: https://vnexpress.net/viet-nam-thu-nghiem-lam-sang-thuoc-dieu-tri-sot-xuat-huyet-dengue-4909948.html