CEO PAN Group nêu chiến lược ra toàn cầu tại Global Summit of Women

Bà Nguyễn Thị Trà My, CEO PAN Group, chia sẻ chiến lược xây dựng chuỗi giá trị nông sản khép kín, đưa sản phẩm Việt chinh phục thị trường quốc tế tại Global Summit of Women 2025.

Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu lần thứ 35 (Global Summit of Women) diễn ra ngày 3-5/7 tại Berlin, Đức, quy tụ hơn 1.000 đại biểu từ 60 quốc gia. Với chủ đề “Phụ nữ: Khôi phục giá trị trong thời đại số”, sự kiện là nơi các nữ lãnh đạo chia sẻ giải pháp phục hồi kinh tế và thúc đẩy vai trò phụ nữ trong phát triển bền vững.

Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu lần thứ 35. Ảnh: GSW

Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu lần thứ 35. Ảnh: GSW

Đại diện Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp – thực phẩm, bà Nguyễn Thị Trà My mang đến câu chuyện về PAN Group – doanh nghiệp theo đuổi mô hình chuỗi giá trị nông sản khép kín, từ giống đến bàn ăn và chiến lược vươn ra thị trường quốc tế.

Theo bà, trước khi trở thành một “cường quốc nông nghiệp”, đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, hạt điều, cà phê… nông nghiệp Việt từng bị xem là ngành truyền thống, thiếu sức hút và lạc hậu.

“15 năm trước, khi thành lập Tập đoàn PAN, thách thức lớn nhất không phải là có một chiến lược hoàn hảo hay hiểu rõ thị trường, mà xây dựng niềm tin với nhà đầu tư, đối tác, khách hàng”, bà My chia sẻ tại hội nghị.

Để giải bài toán đó, bà đã thuyết phục các nhà đầu tư về tiềm năng phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp – thực phẩm khép kín, từ giống đến bàn ăn, chiến lược này không những khả thi mà còn có thể vươn ra toàn cầu.

Bà Nguyễn Thị Trà My (thứ hai từ phải sang) phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: GSW

Bà Nguyễn Thị Trà My (thứ hai từ phải sang) phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: GSW

Với cách tiếp cận minh bạch, chiến lược bài bản và tầm nhìn dài hạn, doanh nghiệp đã từng bước thuyết phục được các nhà đầu tư lớn như Tổ chức IFC (thuộc Ngân hàng Thế giới), Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) và C.P Group (Thái Lan), CGIF (ngân hàng ADB), ngân hàng Standard Chartered, SMBC…

Trong hơn một thập kỷ, PAN thực hiện nhiều thương vụ M&A, phát triển hệ sinh thái gồm 12 công ty hoạt động trong các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, thực phẩm.

“Qua nhiều thương vụ, chúng tôi nhận ra rằng uy tín và niềm tin xây dựng được càng cao, nguồn lực tiếp cận được càng đa dạng – không chỉ là tài chính, mà còn là những đối tác thực sự, sẵn sàng đồng hành vì sự phát triển lâu dài”, bà Trà My nói.

Từ mức doanh thu 284 tỷ đồng năm 2012, đến năm 2024, doanh thu hợp nhất của PAN đạt hơn 16.184 tỷ đồng, gấp 57 lần. Trong đó, xuất khẩu đóng góp khoảng 50%. Theo CEO của tập đoàn, chinh phục thị trường quốc tế không phải là một lựa chọn, mà là bản sắc và con đường tăng trưởng của PAN.

Bà Trà My cho biết, hiện nhiều sản phẩm của tập đoàn như gạo đóng gói, cà phê, hạt điều, kẹo, tôm chế biến đã có mặt tại các chuỗi bán lẻ lớn toàn cầu như Costco, Amazon, Walmart, Tesco. “Đây không chỉ là tín hiệu tích cực về định hướng phát triển, mà còn cho thấy doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh bình đẳng trên thị trường quốc tế”.

Hơn 1.000 đại biểu đến từ 60 quốc gia tham dự Hội nghị. Ảnh: GSW

Hơn 1.000 đại biểu đến từ 60 quốc gia tham dự Hội nghị. Ảnh: GSW

Trước những biến động kinh tế và yêu cầu ngày càng cao về phát triển bền vững, PAN đang bước vào giai đoạn mới, chuyển từ củng cố nội lực sang tăng tốc chuyển đổi. Doanh nghiệp đặt trọng tâm vào ba chiến lược: phát triển R&D và tăng trưởng xanh, chuyển đổi số và quản trị dữ liệu, trao quyền cho thế hệ kế cận.

Cụ thể, PAN đang đầu tư vào công nghệ sinh học và nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm phát triển giống cây trồng và phương pháp canh tác giúp giảm phát thải carbon, bảo vệ đa dạng sinh học, đảm bảo an ninh lương thực, không chỉ cho Việt Nam, mà cho cả thế giới.

Đồng thời, tập đoàn tích hợp AI và công cụ số vào toàn chuỗi giá trị – từ nông trại, nhà máy đến văn phòng, để tăng tính minh bạch, khả năng truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ ra quyết định nhanh và hiệu quả hơn.

Song, theo bà My, một trong những thách thức hiện nay của PAN là bài toán chuyển giao thế hệ lãnh đạo. “Nhiều lãnh đạo chủ chốt đã gắn bó với PAN suốt hàng chục năm, có người đã 75, 85 tuổi. Câu hỏi lớn là làm thế nào để trao lại ngọn lửa – không chỉ là trách nhiệm, mà là tinh thần?”, bà đặt vấn đề.

CEO PAN cho rằng thế hệ kế cận cần vừa hiểu doanh nghiệp, vừa có tư duy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, cam kết phát triển bền vững và năng lực chuyển đổi số.

“Nếu chúng ta tin tưởng, trao cho thế hệ trẻ cơ hội “nghĩ khác – làm lớn” và dẫn dắt họ với mục tiêu rõ ràng, công ty sẽ không chỉ phát triển, mà còn phát triển bền vững và trường tồn”, bà Trà My chia sẻ.

Tập đoàn hiện xây dựng đội ngũ kế cận có tư duy toàn cầu, gắn bó với đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững. Theo lãnh đạo PAN, quá trình chuyển giao thế hệ cần được chuẩn bị bài bản, lộ trình rõ ràng và quan trọng là chọn đúng người để tiếp tục dẫn dắt tổ chức đi xa hơn.

Minh Ngọc

Nguồn: https://vnexpress.net/ceo-pan-group-neu-chien-luoc-ra-toan-cau-tai-global-summit-of-women-4910825.html