Nhiễm trùng do chích máu chữa gout

Hà NộiÔng Hiền, 67 tuổi, bị gout 10 năm, nay chích máu để “hút độc” chữa bệnh theo như quảng cáo, sau đó bị nhiễm trùng lan rộng.

Ông Hiền thường xuyên đau nhức, sưng tấy các khớp, nhất là ngón chân cái và khớp gối, bác sĩ kê đơn thuốc hạ axit uric máu, thuốc chống viêm. Ngại uống thuốc Tây, ông đến một phòng khám Đông y theo quảng cáo “chữa gout bằng mẹo chích máu hút độc tố ra ngoài”. Ông được chích lấy máu ở các khớp vai bị sưng, sau đó dùng máy sấy hơ làm khô vết thương. Vài ngày đầu khớp đỡ đau, sau đó vùng vai sưng nề không vận động được, đau nhức lan rộng kèm mệt mỏi, sốt cao.

ThS.BS Nguyễn Thị Ánh Ngọc, khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, ghi nhận ông Hiền nhập viện trong tình trạng sốt 38,5 độ C, các khớp sưng đau nóng đỏ, vai và nhiều khớp khác bị bầm tím, phỏng rộp, có dấu hiệu nhiễm trùng mô mềm.

Các bác sĩ xử lý vùng tổn thương, vệ sinh vết bỏng thường xuyên, điều trị kháng sinh toàn thân kết hợp thuốc chống viêm để kiểm soát nhiễm trùng lan rộng. Ông Hiền được làm các xét nghiệm đánh giá chức năng gan, thận và nồng độ axit uric.

Kết quả xét nghiệm cho thấy axit uric trong máu của ông Hiền vẫn ở mức cao. Các khớp có dấu hiệu viêm tái phát, một số vị trí bắt đầu xuất hiện hạt tophi nhỏ dưới da. Bệnh gout đã sang giai đoạn mạn tính, nếu không kiểm soát tốt, tinh thể urat tiếp tục lắng đọng sẽ phá hủy khớp, gây biến dạng, hạn chế vận động và có thể ảnh hưởng đến chức năng thận, theo bác sĩ Ngọc.

Hiện tình trạng nhiễm trùng của ông Hiền đã ổn định, vết thương lên da non, không còn chảy dịch. Bác sĩ tiếp tục điều chỉnh thuốc hạ axit uric, thuốc chống viêm, đồng thời tư vấn chế độ ăn uống, sinh hoạt và lịch tái khám để kiểm soát bệnh.

Bác sĩ Ngọc khám cho ông Hiền. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bác sĩ Ngọc khám cho ông Hiền. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Theo bác sĩ Ngọc, gout là bệnh rối loạn chuyển hóa, người bệnh cần tuân thủ phác đồ lâu dài. Song một số trường hợp, đặc biệt là người lớn tuổi, e ngại dùng thuốc Tây vì lo tác dụng phụ, áp dụng các mẹo dân gian, thuốc lá, rượu ngâm để chữa bệnh. “Hiện chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh việc chích hút máu bầm hay “rút độc” ra khỏi khớp có hiệu quả”, bác sĩ Ngọc cho hay, thêm rằng việc chích, rạch, đắp lá, sấy vết thương dễ làm tổn thương da, tạo điều kiện vi khuẩn xâm nhập, dẫn đến nhiễm trùng toàn thân. Một vết nhiễm trùng da nếu lan rộng sẽ dẫn đến nhiễm trùng huyết, đe dọa tính mạng, nhất là với người lớn tuổi, mắc bệnh nền.

Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, từng tiếp nhận nhiều ca mắc gout nhập viện do tự ý đắp lá, dán cao, dùng rượu ngâm, chích máu. Không ít trường hợp bị bỏng da, viêm loét kéo dài, thậm chí uống thuốc Đông y không rõ nguồn gốc dẫn đến men gan tăng cao, suy thận.

Bác sĩ Ngọc lưu ý người bệnh tuyệt đối không tự ý sắc, ngâm, đắp thuốc hay thực hiện các thủ thuật chích máu, sấy vết thương tại các cơ sở không uy tín. Người bệnh gout cần hạn chế thực phẩm giàu purin như nội tạng, hải sản, thịt đỏ, bia rượu; uống đủ nước để tăng thải axit uric, vận động nhẹ nhàng để giảm lắng đọng tinh thể urat. Nếu có ý định dùng thêm các bài thuốc Đông y, người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để đánh giá khả năng tương tác với thuốc Tây đang dùng. Liệu pháp Đông y có thể hỗ trợ giảm viêm, lưu thông khí huyết nhưng không thay thế được thuốc hạ axit uric.

Linh Đặng

*Tên người bệnh đã được thay đổi

Độc giả đặt câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp

Nguồn: https://vnexpress.net/nhiem-trung-do-chich-mau-chua-gout-4911152.html