Trong lịch sử hơn 4 nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã bao lần đứng lên đánh đuổi kẻ thù xâm lược, lập nên chiến công vang dội. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời lãnh đạo cách mạng Việt Nam thì tinh thần chống kẻ thù xâm lược được nhân lên gấp bội. Từ một nước thuộc địa, ngày 02/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khẳng định nước Việt Nam là một quốc gia độc lập, tự chủ. Để giữ vững nền độc lập, tự do, nước ta lớp cha trước, lớp con sau không sợ hy sinh, gian khổ, sẵn sàng đổ xương máu vì Tổ quốc.
Đất nước có hòa bình trọn vẹn, để xây dựng, phát triển như hôm nay không biết bao người đã ngã xuống trong các cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược. Những người đổ xương máu vì đất nước được Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta hết sức trân quý.
Người liệt sĩ đầu tiên của Quân đội ta là đồng chí Nông Văn Nhúng (Xuân Trường) dân tộc Tày, quê xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, tham gia cách mạng năm 1942. Đồng chí là chiến sĩ Quân đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, hy sinh vào tối ngày 04/02/1945 trong trận đánh đồn Đồng Mu. Bằng Tổ quốc ghi công số HX 759b, Quyết định số 337/TTg ngày 19/8/1961. Lúc đó, đồng chí là tiểu đội trưởng. Đây là trận đánh thứ 3 của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (sau trận Phai Khắt, Nà Ngần).
Để ghi nhớ người chiến sĩ ưu tú của Quân đội ta Nhân dân Cao Bằng đã đặt tên con đường Lũng Phán đến Đồng Mu (thuộc huyện Bảo Lạc, Cao Bằng) dài 19,2 km là đường Xuân Trường.
Đồng chí Hoàng Cầm, sinh năm 1922, quê xã Vĩnh Phượng, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay Hà Nội) bị thương ngày 23/9/1947 khi đang chỉ huy đơn vị chiến đấu tại trận Đà Bắc. Sau khi bị thương, đồng chí được xếp hạng 2 tạm thời là Giấy chứng nhận bị thương số 1TT do Bộ trưởng Bộ Thương binh, Bác sĩ Vũ Đình Tụng ký ngày 16/8/1958 và được cấp sổ thương tật số 1TT ngày 01/4/1963, được chuyển sang hạng 4/6 vĩnh viễn, tại Quyết định số 642/TCDC ngày 07/10/1963 của Ủy ban Hành chính tỉnh Thái Nguyên, số hồ sơ quản lý XT 1274. Đồng chí là người thương binh mang sổ phụ cấp thương tật số 1.
Nhân dân ta vốn có truyền thống “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, đây là truyền thống có tính nhân văn và đạo lý cao cả. Trong những ngày đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp được Đảng, Bác Hồ đồng bào khắp cả nước rất quan tâm đến công tác thương binh, liệt sĩ. Đầu năm 1946, ở Thuận Hóa, Huế người dân thành lập “Hội Giúp binh sĩ bị nạn” được toàn dân hưởng ứng sôi nổi, sau đó đổi thành “Hội Giúp binh sĩ bị thương”. Ở Hà Nội cũng thành lập Hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh là Hội trưởng danh dự đầu tiên của Hội. Chiều ngày 28/5/1946, Hội tổ chức cuộc nói chuyện quan trọng tại Nhà hát lớn, thành phố Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự kêu gọi đồng bào gia nhập Hội và hăng hái giúp đỡ các chiến sĩ bị thương, coi đây là một hành vi cứu nước.

Bác Hồ thăm hỏi, động viên thương binh bị hỏng mắt (năm 1955). Ảnh tư liệu.
Trong lúc đất nước đang vô cùng khó khăn, vừa mới giành được độc lập, Hội đã kịp thời động viên, giúp đỡ các chiến sĩ bị thương vơi đi một phần vất vả trong cuộc sống. Cuối năm 1946, một phong trào sâu rộng trong quần chúng Nhân dân ủng hộ chiến sĩ, người dân hăng hái hưởng ứng thông qua cuộc vận động “Mùa đông binh sĩ”. Chiều ngày 17/11/1946 tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội, Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam tổ chức buổi lễ xung phong “Mùa đông chiến sĩ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên trong Chính phủ đều đến tham dự. Hồ Chủ tịch đã cởi chiếc áo rét của Người đang mặc để tặng binh sĩ. Noi gương Người, đồng bào khắp nơi đã ủng hộ hàng vạn quần áo, giày mũ cho chiến sĩ.
Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, từ đó nước ta số binh sĩ hy sinh và bị thương trong chiến đấu ngày một tăng. Công tác thương binh, liệt sĩ trở thành vấn đề lớn và vô cùng quan trọng của đất nước. Ngày 16/02/1947, Chính phủ ban hành chế độ “hưu bổng thương tật” và “tiền tuất cho thân nhân liệt sĩ”. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên của Nhà nước ta thể hiện sự ưu đãi đối với binh sĩ bị thương và gia đình liệt sĩ.
Tháng 6/1947 tại xã Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Chính phủ tổ chức một cuộc Hội nghị quan trọng đối với các cơ quan của Chính phủ và các Hội, đoàn thể chính trị của Trung ương quyết định chọn ngày 27/7/1947 làm Ngày Thương binh toàn quốc. Chiều ngày 27/7/1947, tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ tổ chức một cuộc mít tinh lớn. Đại biểu Ban Tổ chức Ngày thương binh toàn quốc trịnh trọng đọc bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Ban Thường trực của Ban Tổ chức Ngày thương binh toàn quốc. Từ đó, hàng năm cứ đến ngày 27/7 Nhân dân trong toàn quốc sôi nổi tổ chức các hoạt động quyên góp, giúp đỡ và chăm sóc thương binh và gia đình liệt sĩ, trở thành một ngày thiêng liêng, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, ý chí quyết tâm giành độc lập tự do của Nhân dân ta, quý mến và trân trọng những người con vì đất nước mà anh dũng hy sinh xương máu.
Năm 1955, Đảng và Nhà nước ta quyết định đổi Ngày Thương binh toàn quốc thành “Ngày Thương binh – Liệt sĩ” để thể hiện đầy đủ hơn tình cảm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với những người đã không tiếc xương máu của mình cho Tổ quốc. Hàng năm, cứ đến ngày 27/7 toàn Đảng, toàn quân và toàn dân cả nước ta lại sôi nổi tổ chức kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa sâu sắc.
78 năm qua công tác Thương binh – Liệt sĩ, mỗi năm có một bước phát triển mới, tạo điều kiện giải quyết chu đáo hơn, kết quả lớn hơn trong chính sách, chế độ cũng như trong các cuộc vận động toàn dân chăm sóc thương binh và gia đình liệt sĩ.

Đưa các liệt sĩ làm nhiệm vụ quốc tế hy sinh ở nước bạn Lào về đất mẹ. (Ảnh: Hải Hưng).
Ngày 30/6/2025, Thủ tướng Chính phủ ra Công điện số 102/CĐ-TTg về việc tiếp tục chăm lo tốt đời sống người có công với cách mạng nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2025) gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ với đạo lý uống nước nhớ nguồn thời gian qua, nhất là trong tháng 7 các địa phương trong cả nước mở đợt tuyên truyền, giáo dục về lòng biết ơn sâu sức, sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh người có công với cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc bảo vệ Tổ quốc. Vận động toàn thể Nhân dân hưởng ứng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, tổ chức thăm hỏi, tặng quà thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Ủy ban Mặt trận tổ quốc các địa phương, cùng với các đoàn thể trong tháng 7/2025 thực hiện các hoạt động tu sửa, chỉnh trang các nghĩa trang liệt sĩ, tổ chức “Lễ thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ”. Các nhà chùa tổ chức Lễ cầu siêu tại các nghĩa trang, đền thờ liệt sĩ. Hội Cựu chiến binh tổ chức về thăm lại chiến trường xưa, thắp hương các nghĩa trang tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh cho Tổ quốc.
Cả nước có nhiều hoạt động thiết thực nhằm thể hiện trách nhiệm, tình cảm của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và các tầng lớp Nhân dân đối với việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công.
Nguồn: https://lsvn.vn/coi-nguon-ngay-thuong-binh-liet-si-27-7-a160703.html