AI hỗ trợ bác sĩ phẫu thuật u nhầy ở xoang trán

TP HCMChị Khuyên, 45 tuổi, nghẹt mũi, đau đầu vùng trán, sưng lồi mắt trái, được bác sĩ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) bóc tách khối u thành công.

Kết quả chụp cắt lớp vi tính (CT) của chị Khuyên tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho thấy có khối u phát triển lớn, lan xuống hốc mắt, gây chèn ép vào nhãn cầu và các cấu trúc quanh mắt. GS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy, Cố vấn Trung tâm Tai Mũi Họng chẩn đoán chị Khuyên bị tái phát viêm đa xoang, u nhầy xoang trán, lệch vách ngăn, cần chỉ định phẫu thuật loại bỏ mô viêm và u nhầy, thông khí trong xoang. Tuy nhiên, chị từng phẫu thuật xoang và loại bỏ u nhầy xoang trán nên cấu trúc giải phẫu của xoang không còn như ban đầu, nguy cơ biến chứng phẫu thuật có thể cao hơn.

Giáo sư Thủy đánh giá phẫu thuật xoang tái phát thường phức tạp hơn nhiều so với lần đầu. Lúc này, cấu trúc xoang bị thay đổi, mô sẹo xơ hình thành làm mất các mốc giải phẫu tự nhiên. Xác định ranh giới giữa mô bệnh và mô lành khó khăn, quá trình bóc tách cũng nguy hiểm hơn. Chưa kể, nếu không loại bỏ hết tổ chức viêm, bệnh có nguy cơ tái phát lần nữa. Xoang gần các cấu trúc quan trọng như hốc mắt, sàn sọ, dây thần kinh thị giác, động mạch cảnh trong…, bác sĩ phải thao tác chính xác trong vùng phẫu thuật nhỏ hẹp. Sai sót nhỏ trong phẫu thuật có thể để lại biến chứng cho người bệnh như giảm thị lực, mất thị lực vĩnh viễn, rò dịch não, liệt mặt, chảy máu ồ ạt.

Êkíp mổ sử dụng hệ thống định vị ba chiều (IGS) ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp máy nội soi, công nghệ hình ảnh 3D và độ phân giải 4K để xác định chính xác vị trí khối u, lấy hết bệnh tích trong những ca mổ xoang tái phát, hạn chế biến chứng, rút ngắn thời gian phẫu thuật. Trước phẫu thuật, ảnh CT của chị Khuyên được nhập vào hệ thống định vị ba chiều để đồng bộ dữ liệu, tái tạo không gian xoang và hiển thị trên màn hình.

Sau khi gây mê, một bộ cảm biến được gắn lên mặt người bệnh tại điểm cố định ở trán. Công nghệ AI quét 3D và nhận diện cấu trúc khuôn mặt, đối chiếu với dữ liệu chụp CT trước phẫu thuật. Suốt quá trình phẫu thuật, AI hiển thị đường đi của dụng cụ trên “bản đồ” xoang đã được tái tạo 3D trên màn hình, cảnh báo nếu tiến gần đến vùng nguy hiểm.

Hệ thống đồng bộ dữ liệu giải phẫu thực tế của người bệnh với hình ảnh CT/MRI trên màn hình, giúp bác sĩ quan sát đồng thời cùng màn hình nội soi. Trong khi đó, với phẫu thuật nội soi thông thường, bác sĩ có thể phải tạm dừng để nhìn hình ảnh CT/MRI trên bảng hiển thị để chắc chắn đúng vị trí can thiệp.

Giáo sư Thủy (trái) cùng êkíp phẫu thuật cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Giáo sư Thủy (trái) cùng êkíp phẫu thuật cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Giáo sư Chung Thủy mở rộng đường dẫn lưu xoang trán, tạo không gian tiếp cận u nhầy. Dưới sự dẫn hướng của hệ thống định vị ba chiều, toàn bộ khối u được bóc tách thành công, không làm tổn thương mô lành. Đồng thời, bác sĩ xử lý mô viêm, dẫn lưu dịch mủ ở xoang trán cho người bệnh.

Ca phẫu thuật thành công, kết thúc sớm hơn dự kiến gần một giờ. Hậu phẫu, chị Khuyên hồi phục sức khỏe tốt, xuất viện sau một tuần.

Uyên Trinh

Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp

Nguồn: https://vnexpress.net/ai-ho-tro-bac-si-phau-thuat-u-nhay-o-xoang-tran-4910876.html