Bàn về quy định mới của Luật BHXH 2024 và trách nhiệm tham gia BHXH bắt buộc của luật sư

(LSVN) – Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2024, được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 ngày 29/6/2024, đã chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2025. Theo đó, Luật này quy định về quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với bảo hiểm xã hội và tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội; trợ cấp hưu trí xã hội… Hiện nay các tổ chức hành nghề luật sư đang băn khoăn, các luật sư trong tổ chức mình, trong đó có không ít trường hợp giữa các luật sư thành viên với luật sư đứng đầu là quan hệ vợ – chồng, cha – con, hoặc anh – em, thầy – trò,… có phải thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc không?

Khoản 1, Điều 2, Luật BHXH 2024, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Theo đó, người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm:

– Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, kể cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên;

– Cán bộ, công chức, viên chức;

– Công nhân và viên chức quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu;

– Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;

– Hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ công an nhân dân; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;

– Dân quân thường trực;

– Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác;

– Vợ hoặc chồng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước được cử đi công tác nhiệm kỳ cùng thành viên cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài được hưởng chế độ sinh hoạt phí;

– Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã có hưởng tiền lương;

– Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;

– Đối tượng quy định tại điểm a khoản này làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất;

– Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tham gia theo quy định của Chính phủ;

– Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã không hưởng tiền lương.

Như vậy, theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024, hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên là thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc chứ không phân chia thành các trường hợp như Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Theo đó, người lao động là công dân Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên vẫn sẽ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Kể cả các trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên vẫn thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tuy nhiên, hiện nay các tổ chức hành nghề luật sư đang băn khoăn, các luật sư trong tổ chức mình, trong đó có không ít trường hợp giữa các luật sư thành viên với luật sư đứng đầu là quan hệ vợ – chồng, cha – con, hoặc anh – em, thầy – trò… có phải thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc không?

Liên quan đến vấn đề này, tác giả cho rằng cần làm rõ 3 vấn đề sau đây:

Thứ nhất, khoản 3, Điều 3 Luật BHXH 2024 quy định như sau: “Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động, người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải tham gia.

Thứ hai, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là ai? Theo điểm a, khoản 1, Điều 2 Luật BHXH 2024 quy định:

“Điều 2. Đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện

1. Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên, kể cả trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên”.

Thứ ba, nội dung hợp đồng lao động được quy định tại khoản 1, Điều 21 Bộ luật Lao động 2019 như sau:

“Điều 21. Nội dung hợp đồng lao động

1. Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và họ tên, chức danh của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động;

b) Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động;

c) Công việc và địa điểm làm việc;

d) Thời hạn của hợp đồng lao động;

đ) Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;

e) Chế độ nâng bậc, nâng lương;

g) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;

h) Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;

i) Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp;

k) Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề”.

Theo hướng dẫn tại Chương II Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH, các nội dung bắt buộc phải có gồm:.

– Mức lương theo công việc hoặc chức danh, hình thức trả lương, kỳ hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

– Chế độ nâng bậc, nâng lương: Theo thỏa thuận của hai bên về điều kiện, thời gian, mức lương sau khi nâng bậc, nâng lương hoặc thực hiện theo thỏa ước lao động tập thể, quy định của người sử dụng lao động.

– Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi: Theo thỏa thuận của hai bên hoặc thỏa thuận thực hiện theo nội quy lao động, quy định của người sử dụng lao động, thỏa ước lao động tập thể và quy định của pháp luật.

– Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động: những loại phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động theo thỏa thuận của hai bên hoặc theo thỏa ước lao động tập thể hoặc theo quy định của người sử dụng lao động và quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

– Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp: Theo quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp.

Từ các căn cứ trên, theo quan điểm của tác giả, trường hợp giữa các luật sư thành viên với luật sư đứng đầu là quan hệ vợ – chồng, cha – con, hoặc anh – em, thầy – trò… chỉ là quan hệ hợp tác chứ không quan hệ thuê mướn – trả lương theo mẫu Nội dung hợp đồng lao động được quy định tại khoản 1, Điều 21 Bộ luật Lao động 2019.

Trường hợp giữa các luật sư thành viên với luật sư đứng đầu nếu có ký kết Hợp đồng lao động, thì cũng không có các mục từ 5 – 9 được được hướng dẫn bởi Chương II Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH.

Quan hệ lao động giữa các luật sư thành viên với luật sư đứng đầu, dù có ký Hợp đồng lao động, thì cũng không có ràng buộc về sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên (từ người đứng đầu tổ chức hành nghề luật sư).

Trong nội dung định danh tổ chức đang được các tổ chức hành nghề luật sư đăng ký hiện nay, các tổ chức hành nghề luật sư không được xem là doanh nghiệp – mà được quy vào nhóm “Có mã số thuế, không đăng ký kinh doanh”…

Từ đó, có thể khẳng định các luật sư thành viên trong tổ chức hành nghề luật sư không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, có thể khuyến khích các luật sư tham gia loại hình BHXH tự nguyện (nếu còn trong đột tuổi), với nhiều chính sách hỗ trợ và khuyến khích có lợi cho người tham gia…

Kiến nghị

Tác giả kiến nghị, giữa luật sư thành viên với tổ chức hành nghề luật sư có thể ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh (hợp đồng BCC) theo Điều 27 và 28 Luật Đầu tư 2020. Để làm điều này, đề nghị Bộ Tư pháp có Thông tư hướng dẫn nội dung và phương thức ký hợp đồng.

Trong khi chờ đợi Bộ Tư pháp có Thông tư hướng dẫn, trước mắt các tổ chức hành nghề luật sư có thể tham khảo Mẫu Hợp đồng hợp tác kinh doanh (hợp đồng BCC) ban hành kèm theo theo Điều 27 và 28 Luật Đầu tư 2020. Trong đó, sửa đổi, thay thế những nội dung phù hợp hoạt động nghề nghiệp luật sư.

Ngoài ra, tác giả kiến nghị sửa đổi Điều 20 Luật Luật sư 2006 (được sửa đổi bởi khoản 11 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012) liên quan đến nội dung: “Người đã gia nhập Đoàn Luật sư phải làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư,…”. Vì như đã phân tích ở trên, “hợp đồng lao động” nói ở đây không thực chất phản ánh đúng và đủ mối quan hệ pháp luật lao động giữa luật sư thành viên với luật sư đứng đầu tổ chức hành nghề luật sư.

Thạc sĩ, Luật sư PHAN VĂN VĨNH
Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh

Nguồn: https://lsvn.vn/ban-ve-quy-dinh-moi-cua-luat-bhxh-2024-va-trach-nhiem-tham-gia-bhxh-bat-buoc-cua-luat-su-a160648.html

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *