Bộ Y tế đề xuất bỏ cơ chế tự công bố đối với thực phẩm bổ sung vì đã tạo kẽ hở cho việc sản xuất cũng như buôn bán hàng giả, gây hại nghiêm trọng sức khỏe người dân.
Đề xuất này trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 15 về thi hành Luật An toàn thực phẩm. Động thái được đưa ra sau khi nhà chức trách phát hiện nhiều sản phẩm kém chất lượng như kẹo rau củ Kera, sữa bột giả và thực phẩm chức năng giả quy mô lớn.
Việc công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm thực phẩm được quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật ATTP. Theo đó, đa số thực phẩm được tự công bố và có 4 nhóm cần kiểm soát chặt hơn thì phải được đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. 4 nhóm này là thực phẩm bảo vệ sức khỏe và dinh dưỡng y học, thực phẩm cho trẻ dưới 36 tháng tuổi, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt.
Trong khi đó, thực phẩm bổ sung là sản phẩm được bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm cung cấp thêm các chất dinh dưỡng hoặc các hoạt chất có lợi cho sức khỏe mà cơ thể có thể chưa nhận đủ qua thực phẩm thông thường. Hiện,thực phẩm bổ sung chưa được quy định rõ trong Nghị định 15 và không thuộc nhóm phải đăng ký bản công bố. Sản phẩm này được xếp vào nhóm thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn và chỉ cần tự công bố.
“Tình trạng này dẫn đến việc nhiều tổ chức, cá nhân công bố sai nhóm sản phẩm; nhiều đơn vị tự xác định thành phần thực phẩm bổ sung và tự công bố”, đại diện Bộ Y tế cho hay, nói thêm nhiều doanh nghiệp còn phóng đại tính năng, công dụng của sản phẩm do họ không phải đăng ký nội dung quảng cáo.
Vì vậy, dự thảo mới yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký bản công bố thực phẩm bổ sung và kiểm soát nội dung quảng cáo, nhằm ngăn chặn thông tin sai lệch gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Hoa hậu Thùy Tiên, Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs (từ trái qua) trong một lần livestream bán kẹo Kera. Ảnh: Cắt từ video
Với nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm cho trẻ dưới 36 tháng tuổi, quy định hiện hành doanh nghiệp chỉ cần cam kết tuân thủ an toàn thực phẩm và chịu trách nhiệm về sản phẩm. Do đó, thành phần hồ sơ đăng ký bản công bố được đơn giản nhằm nêu cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc chấp hành pháp luật. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đã lợi dụng chính sách này để sử dụng nhiều thành phần không có tính năng trong sản phẩm, nhằm mục đích quảng cáo mà không quan tâm đến chất lượng thực tế, theo Bộ Y tế.
Để ngăn tình trạng này, dự thảo đề xuất tăng cường kiểm soát từ thành phần, chỉ tiêu an toàn đến công dụng sản phẩm ngay từ giai đoạn nghiên cứu. Các cơ sở sản xuất phải đạt chuẩn quốc tế như HACCP, GMP, ISO 22000 hoặc tương đương, thay vì chỉ cần điều kiện an toàn thông thường. Biện pháp này giúp bảo đảm chất lượng và an toàn ở mức cao hơn, tương đương các nước phát triển.
Bộ Y tế cũng đề xuất kiểm nghiệm đồng thời cả chỉ tiêu an toàn cũng như chất lượng, giúp tránh gian lận và bảo vệ người tiêu dùng. Hiện, doanh nghiệp khi đăng ký chỉ cần nộp phiếu kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn, còn chỉ tiêu chất lượng chưa bắt buộc. Điều này dẫn đến nhiều sản phẩm không đúng như công bố, điển hình là vụ kẹo rau củ Kera có chứa sorbitol chiếm 35% thành phần nhưng không được công bố.
Do đó, công tác hậu kiểm cần được tăng cường, đồng thời kết nối dữ liệu giữa các bộ ngành và chính quyền địa phương qua Cổng dịch vụ công quốc gia để quản lý xuyên suốt. Cơ quan chức năng giám sát doanh nghiệp phát hành quảng cáo, người chuyển tải quảng cáo và người có ảnh hưởng (KOLs), đồng thời công khai mối quan hệ giữa người quảng cáo và đơn vị tài trợ.
Trong thời gian qua, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ sản xuất, buôn bán thuốc giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả quy mô lớn. Từ đầu năm đến nay, các đơn vị đã xử lý hơn 34.000 vụ vi phạm, bao gồm hơn 8.200 vụ buôn bán hàng cấm, hơn 25.100 vụ gian lận thương mại và hơn 1.100 vụ hàng giả. Các cơ quan đã thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 4.897 tỷ đồng, khởi tố hình sự gần 1.400 vụ với hơn 2.100 đối tượng.
Lê Nga
Nguồn: https://vnexpress.net/bo-y-te-de-xuat-thuc-pham-bo-sung-khong-duoc-tu-cong-bo-4909907.html