Đứt dây chằng 6 tháng mà không biết

TP HCMAnh Dương, 31 tuổi, sưng, đau khớp gối khi chơi cầu lông 6 tháng trước, nay chân ngày càng yếu dần, không thể co lại, đi khám mới phát hiện đứt dây chằng chéo trước.

Kết quả chụp MRI 3 Tesla và thực hiện lượng giá dây chằng bằng robot Dyneelax tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho thấy anh Dương đứt hoàn toàn dây chằng chéo trước, rách sụn chêm và có dấu hiệu thoái hóa khớp gối nhẹ.

“Người bệnh bị tổn thương, đứt dây chằng từ nhiều tháng trước mà không biết, vẫn sinh hoạt bình thường khiến tình trạng nặng hơn”, ThS.BS.CKI Nguyễn Văn Lưu, Trưởng đơn vị Phẫu thuật trong ngày, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, cho biết, thêm rằng nếu tiếp tục kéo dài, người bệnh đau đớn, giảm khả năng vận động, teo cơ, thậm chí phải thay khớp sau này.

Anh Dương được kiểm tra dây chằng trước phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Anh Dương được kiểm tra dây chằng trước phẫu thuật. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ đánh giá các đầu rách bị tiêu biến, không còn đủ chất lượng và độ dài để nối lại, do đó chỉ định tái tạo dây chằng bằng gân tự thân với kỹ thuật nội soi All inside (tất cả bên trong). Bác sĩ lấy gân chân ngỗng của chân trái làm cầu nối để gắn kết hai đầu dây chằng đã đứt lại với nhau.

Hệ thống máy nội soi cho phép bác sĩ quan sát rõ hình ảnh của dây chằng, sụn chêm và các thành phần khác bên trong đầu gối. Việc khâu nối diễn ra an toàn và ít xâm lấn, giảm tối đa nguy cơ nhiễm trùng, giảm đau tốt trong và sau phẫu thuật, người bệnh có thể sớm tập vật lý trị liệu, nhanh khôi phục vận động.

Ngày đầu sau phẫu thuật, anh Dương có thể tập vận động tại giường, tập đi lại với dụng cụ hỗ trợ vào ngày tiếp theo. Bác sĩ tiên lượng người bệnh có thể sinh hoạt như bình thường sau 2 tuần và chơi thể thao trở lại sau 6-9 tháng.

Bác sĩ Lưu (giữa) nội soi tái tạo dây chằng cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ Lưu (giữa) nội soi tái tạo dây chằng cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bác sĩ Lưu cho biết dây chằng khớp gối có thể bị đứt khi gặp tác động mạnh như té ngã khi chơi thể thao, ngã từ trên cao xuống hoặc va chạm do tai nạn. Lúc này, khớp gối thường sưng một thời gian ngắn và người bệnh vẫn đi lại được, chỉ gặp khó khăn trong chơi thể thao, vận động mạnh. Người bệnh dễ chủ quan, làm bỏ lỡ thời gian “vàng” điều trị. Do đó, ngay khi xảy ra chấn thương, nhất là khi chơi thể thao, người bệnh cần chú ý các dấu hiệu cảnh báo đứt dây chằng để kịp thời điều trị như nghe tiếng nứt hoặc tiếng nổ nhỏ ở khớp, bầm tím, sưng đau, đặc biệt khi có áp lực lên khớp, co thắt cơ, giảm khả năng vận động…

Các chấn thương thể thao cần được xử lý nhanh, hiệu quả. Tùy mức độ sẽ áp dụng các kỹ thuật khác nhau. Những chấn thương thể thao đơn giản có thể được điều trị nhanh chóng sau 30-60 phút tại khu Phẫu thuật về trong ngày của bệnh viện Tâm Anh.

Phi Hồng

*Tên người bệnh đã được thay đổi

20h ngày 3/7, chương trình tư vấn trực tuyến “Chấn thương thể thao, tái tạo dây chằng và Ra mắt khu phẫu thuật về trong ngày” sẽ được phát trên fanpage VnExpress. Các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM gồm TS.BS.CKII Lê Văn Tuấn – Giám đốc Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, ThS.BS.CKI Đặng Khoa Học – Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình Tổng quát, ThS.BS CKI Nguyễn Văn Lưu – Trưởng đơn vị Phẫu thuật trong ngày, khoa Chấn thương Chỉnh hình, giải đáp thắc mắc trong chương trình. Độc giả gửi câu hỏi tại đây.

Nguồn: https://vnexpress.net/dut-day-chang-6-thang-ma-khong-biet-4909293.html