Làm rõ tin đồn COVID-19 do Big Pharma tạo ra và mọi thứ tệ hơn do vắc xin

Một bài đăng đang lan truyền trên mạng xã hội tuyên bố rằng các công ty dược phẩm lớn đã tạo ra vi rút COVID-19 và việc tạo ra vắc xin phòng bệnh này thậm chí còn khiến mọi việc tệ hơn.

COVID-19 - Ảnh 1.

Hình minh họa vắc xin COVID-19 – Ảnh: THIP

Đoạn video lan truyền trên Instagram có nội dung: “Điều tồi tệ nhất Big Pharma từng làm với nhân loại là tạo ra vi rút COVID-19 và một loại vắc xin còn tệ hơn khi gây ra các cục máu đông nhỏ, làm tăng số ca đột quỵ, ngưng tim và đau tim hàng loạt”.

Video còn khẳng định vitamin C có thể làm tan cục máu đông, liệu pháp ozone giúp vô hiệu hóa tác dụng vắc xin, và khuyên không nên gắng sức vì tim yếu đi sau tiêm.

Big Pharma có tạo ra COVID-19?

Ngày 2-7, các chuyên gia của THIP, nền tảng kiểm chứng thông tin về sức khỏe tại Ấn Độ, cho biết không có bằng chứng đáng tin cậy nào về việc Big Pharma tạo ra vi rút SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Sự đồng thuận khoa học, được hỗ trợ từ nhiều nghiên cứu, cho thấy vi rút này có khả năng bắt nguồn từ tự nhiên, có thể là từ dơi.

Các nghiên cứu được công bố trên những tạp chí uy tín như Nature cũng xác nhận SARS-CoV-2 là chủng tiến hóa tự nhiên, không phải là sản phẩm trong phòng thí nghiệm.

Đau tim và COVID-19 có liên quan không?

Câu trả lời là hiếm khi. Chỉ một vài vắc xin cụ thể, chẳng hạn của hãng AstraZeneca và Johnson & Johnson (vắc xin vector adenovirus), có liên quan đến tình trạng hiếm gặp gọi là huyết khối với hội chứng giảm tiểu cầu (TTS), liên quan đến cục máu đông và mức tiểu cầu thấp.

Cục máu đông có thể dẫn đến các tình trạng nghiêm trọng như đau tim và đột quỵ nhưng nguy cơ này cực kỳ thấp.

Tại Mỹ, chỉ 60 ca TTS được ghi nhận trong hơn 18 triệu người tiêm vắc xin Johnson & Johnson, trong đó có 9 ca tử vong.

Ngược lại, theo THIP, mắc COVID-19 có nguy cơ hình thành cục máu đông cao hơn nhiều, có thể góp phần gây ra các cơn đau tim.

Vắc xin mRNA (của hãng Pfizer-BioNTech và Moderna) có mối liên hệ hiếm gặp với viêm cơ tim.

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), tình trạng viêm cơ tiêm là rất hiếm gặp sau khi tiêm các loại vắc xin này. Hầu hết các ca gặp phải đều xảy ra trong vòng bảy ngày sau tiêm và nhanh chóng bình phục với triệu chứng nhẹ.

Nhìn chung lợi ích của vắc xin lớn hơn nhiều so với các rủi ro hiếm gặp nói trên.

COVID-19 - Ảnh 2.

Video sai sự thật về COVID-19 đăng trên Instagram – Ảnh: THIP

Nguy cơ đau tim tăng hậu COVID-19?

Có nguy cơ này, song liên quan đến vi rút chứ không phải vắc xin. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng mắc COVID-19 có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch liên quan đến COVID-19, bao gồm đau tim, ngay cả sau khi bình phục.

Điều này là do vi rút có thể gây viêm và tổn thương mạch máu, làm tăng khả năng mắc các vấn đề liên quan tim mạch. Tiêm phòng sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc COVID-19 nặng và các biến chứng lâu dài, bao gồm đau tim.

Có rất nhiều thông tin sai lệch về việc các vấn đề về tim có liên quan đến COVID-19. Chẳng hạn, một số thông tin cho rằng vắc xin COVID-19 làm tăng nguy cơ đau tim lên 500%. Một số khác cáo buộc các vắc xin COVID-19 gây ra các vấn đề thần kinh và một loại đau tim mới. Tuy nhiên, tất cả đều không phải là sự thật.

Vitamin C và liệu pháp ozone có thể giúp ích không?

Câu trả lời là không. Theo THIP, vitamin C rất quan trọng đối với sức khỏe miễn dịch nhưng không có bằng chứng nào cho thấy nó có thể làm tan cục máu đông, dù do vắc xin hay yếu tố khác gây ra. Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy vitamin C liều cao thậm chí có thể thúc đẩy quá trình đông máu.

Trong khi đó, liệu pháp ozone đã được nghiên cứu và khám phá như là một phương pháp điều trị tiềm năng cho bệnh viêm phổi do COVID-19 nhờ các đặc tính kháng viêm và chống vi rút của nó.

Tuy nhiên, không có bằng chứng khoa học nào cho thấy liệu pháp ozone có thể chống lại hoặc vô hiệu hóa tác dụng của vắc xin COVID-19.

Những tuyên bố về việc đảo ngược tác dụng phụ của vắc xin, bao gồm các tác dụng phụ liên quan đến đau tim, là không có căn cứ và gây hiểu lầm.

Tóm lại, hầu hết các tuyên bố trong đoạn video được chia sẻ trên Instagram là sai sự thật. Không có bằng chứng nào cho thấy Big Pharma tạo ra vi rút COVID-19.

Mặc dù các tác dụng phụ hiếm gặp như cục máu đông và viêm cơ tim có liên quan đến một số loại vắc xin cụ thể nhưng chúng hiếm gặp và ít nghiêm trọng hơn nhiều so với nguy cơ mắc COVID-19. Vitamin C và liệu pháp ozone không vô hiệu hóa tác dụng của vắc xin và tim không bị yếu đi do tiêm vắc xin.

Nguồn: https://tuoitre.vn/lam-ro-tin-don-covid-19-do-big-pharma-tao-ra-va-moi-thu-te-hon-do-vac-xin-20250704120308139.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *