TP HCMNgười đàn ông 35 tuổi đột ngột ngất xỉu rồi té ngã, vào cấp cứu khi đã hôn mê, bác sĩ phát hiện bệnh cơ tim phì đại và QT dài, đặt máy phá rung tự động để tránh nguy cơ đột tử.
Ngày 1/7, BS.CKI Lê Hà Trung, Khoa Tim mạch, Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, cho biết bệnh nhân vào viện hôn mê, có chấn thương mô mềm vùng đầu gây chảy máu do té ngã, điện tâm đồ phát hiện những bất thường. Để loại trừ nguy cơ đột quỵ não và bệnh mạch vành, bác sĩ cho chụp MRI não, CT tim và siêu âm tim. Kết quả ghi nhận thành tim dày gấp đôi so với bình thường, dấu hiệu của bệnh cơ tim phì đại.
Bệnh nhân được đeo Holter điện tim 24 giờ để tìm hiểu nguyên nhân gây ngất đột ngột, phát hiện mắc hội chứng QT dài – một rối loạn hoạt động điện của tim. Chỉ số của bệnh nhân này cực kỳ nguy hiểm, có thể gây rối loạn nhịp tim đột ngột dẫn đến ngừng tim và tử vong.
Theo bác sĩ Trung, cả hai bệnh lý cơ tim phì đại và QT dài đều có nguy cơ gây rối loạn nhịp tim nghiêm trọng, đe dọa tính mạng người bệnh. Để dự phòng nguy cơ đột tử do những cơn loạn nhịp tim nguy hiểm có thể xuất hiện gây ngưng tim bất ngờ trong tương lai, bệnh nhân được mổ đặt máy phá rung kết hợp điều trị nội khoa. Người bệnh phục hồi tốt sau đó, không còn triệu chứng choáng váng hay ngất xỉu, vừa xuất viện trở về các sinh hoạt bình thường.
Máy phá rung ICD được đặt trong cơ thể người bệnh từ 7 – 10 năm. Khi pin không còn sử dụng được sẽ tiến hành thay máy mới. Thời gian đầu đặt máy người bệnh thường cảm thấy lo lắng, song theo thời gian cơ thể sẽ dần thích nghi.

Bác sĩ Trung tư vấn cho người bệnh. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bệnh cơ tim phì đại là một dạng rối loạn tim mạch xảy ra khi cơ tim dày lên bất thường, làm suy giảm chức năng bơm máu của tim. Đây là bệnh lý di truyền, bắt nguồn từ đột biến gene liên quan đến protein cấu trúc của sarcomere trong cơ tim. Vì vậy, việc tầm soát cần được thực hiện ở cả người bệnh lẫn người thân, giúp bác sĩ đánh giá tim kịp thời, phát hiện và bắt đầu điều trị sớm, qua đó giảm thiểu kết quả bất lợi, đặc biệt là suy tim có triệu chứng và đột tử.
Vận động viên, người dưới 35 tuổi hoặc trong gia đình có người bị cơ tim phì đại là nhóm mắc bệnh cơ tim phì đại thường gặp nhất. Tuy nhiên, bệnh vẫn có thể xuất hiện ở người lớn tuổi, ở trẻ sơ sinh, trẻ em. Bệnh thường hiếm gặp và không rõ nguyên nhân.
Với hội chứng QT dài, các yếu tố có thể làm gia tăng nguy cơ mắc phải thường bao gồm người có tiền sử ngừng tim đột ngột hoặc rối loạn nhịp nghiêm trọng, người có thành viên trong gia đình (cha mẹ, anh chị em, con cái) được chẩn đoán mắc tình trạng này. Sử dụng một số loại thuốc có tác dụng kéo dài khoảng QT, đặc biệt là thuốc tim mạch, kháng sinh hoặc chống loạn thần cũng dễ gây nên tình trạng trên.
Một số nhóm nguy cơ khác là phụ nữ đang điều trị bằng một số loại thuốc tác động đến hoạt động điện tim; bản thân hoặc gia đình có người bị ngất xỉu, đột tử mà không rõ nguyên nhân; bị rối loạn ăn uống, ăn vô độ, chán ăn, rối loạn tuyến giáp. Rối loạn cân bằng điện giải do nôn ói, tiêu chảy kéo dài có thể làm thay đổi hoạt động điện của tim.
“Một số bệnh lý tim mạch, trong đó có bệnh cơ tim phì đại và hội chứng QT kéo dài thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng”, bác sĩ nói. Đây chính là lý do khiến người bệnh không thể phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm và thường điều trị muộn, dẫn đến tăng nguy cơ các biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng.
Lê Phương
Nguồn: https://vnexpress.net/nguoi-benh-tre-thoat-nguy-co-dot-tu-nho-may-pha-rung-4908587.html