Sở hữu chéo ngân hàng thương mại: Góc nhìn từ thực tiễn giải quyết của tòa án

(LSVN) – Trong những năm gần đây, sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng đã trở thành một vấn đề nhức nhối tại Việt Nam, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng như rủi ro hệ thống, mất niềm tin của công chúng và nguy cơ thao túng thị trường tài chính. Sở hữu chéo, hiểu đơn giản, là tình trạng các tổ chức tín dụng (TCTD) sở hữu lẫn nhau, trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các bên trung gian, tạo ra một mạng lưới lợi ích phức tạp, chồng chéo đa tầng. Dù pháp luật Việt Nam đã có những quy định nghiêm cấm hành vi này, thực tế cho thấy nhiều ngân hàng vẫn vướng phải trong thực tế hoạt động.

Sở hữu chéo không phải là vấn đề mới mẻ trên thế giới, nhưng tại Việt Nam, nó mang những đặc thù riêng do sự phát triển chưa đồng đều của thị trường tài chính và hệ thống pháp luật chưa theo kịp sự phát triển của xã hội và nền kinh tế. Trong giai đoạn trước đây, nhiều ngân hàng đã lợi dụng sở hữu chéo để tăng cường ảnh hưởng, thao túng hoạt động tín dụng hoặc che giấu tình hình tài chính yếu kém. Hệ quả là hàng loạt vụ việc đổ vỡ ngân hàng, như trường hợp Ngân hàng Xây Dựng hay các ngân hàng bị Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng như Ngân hàng Đông Á, Ngân hàng Đại Dương, đều có dấu vết của sở hữu chéo.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Quy định của pháp luật hiện hành

Để ngăn chặn sở hữu chéo, Luật Các tổ chức Tín dụng 2024 (“Luật TCTD 2024”) đã ban hành nhiều quy định mang tính chặt chẽ và hệ thống đối với vấn đề này, từ việc giảm trần sở hữu, công khai cổ đông từ 1%, cấm cấp tín dụng để để mua cổ phần ngân hàng, đến mở rộng khái niệm người có liên quan.

Giảm “trần” sở hữu

Tại Điều 63 của Luật TCTD 2024, Quốc hội quy định giới hạn mới về tỷ lệ sở hữu cổ phần tại một tổ chức tín dụng. Theo đó, cổ đông là cá nhân không được sở hữu quá 5% vốn điều lệ (giữ nguyên), nhưng tỷ lệ sở hữu tối đa của tổ chức giảm từ 15% xuống 10%. Nhóm cổ đông và người có liên quan không được nắm giữ quá 15% vốn điều lệ – giảm so với mức 20% trước đây.

Việc giảm trần sở hữu là bước đi mạnh tay nhằm hạn chế tình trạng một nhóm cổ đông thao túng ngân hàng thông qua cấu trúc sở hữu phân mảnh, núp bóng dưới nhiều pháp nhân khác nhau.

Công khai cổ đông từ 1%

Lần đầu tiên, luật quy định rõ nghĩa vụ minh bạch thông tin cổ đông. Cụ thể, theo khoản 5 Điều 49 Luật TCTD 2024, tổ chức tín dụng phải công khai trên trang thông tin điện tử danh sách cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên, bao gồm cả thông tin về người có liên quan. Cổ đông cũng phải có trách nhiệm cung cấp trung thực, đầy đủ thông tin cho ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước.

Quy định này được kỳ vọng sẽ buộc các cổ đông ẩn phải lộ diện, những người thực chất nắm quyền chi phối ngân hàng nhưng đứng tên cổ phần thông qua người thân, nhân viên, hoặc công ty sân sau.

Cấm cấp tín dụng để mua cổ phần ngân hàng

Luật TCTD 2024 tiếp tục khẳng định nguyên tắc then chốt đã được đặt ra từ năm 2017: các tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng cho khách hàng để góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng khác.

Tại khoản 6 Điều 134, Luật TCTD 2024 quy định rõ: “Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng để góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng”.Quy định này nhằm ngăn chặn các giao dịch “đi vòng” – khi ngân hàng cho khách vay tiền để mua cổ phiếu ngân hàng khác, từ đó thiết lập sở hữu chéo trá hình. Trong thực tiễn xét xử, đã có những hợp đồng tín dụng bị tuyên vô hiệu vì vi phạm điều cấm này.

Mở rộng khái niệm: “Người có liên quan”

Để tránh tình trạng lợi dụng kẽ hở pháp luật, Luật TCTD 2024 mở rộng đáng kể khái niệm “người có liên quan” tại khoản 24 Điều 4. Không chỉ bao gồm người thân, khái niệm mới còn tính đến các quan hệ sở hữu, điều hành thực tế, công ty mẹ – con – liên kết, và các bên có hành vi phối hợp để đạt mục đích chung. Điều này giúp cơ quan quản lý dễ dàng nhận diện các nhóm cổ đông thao túng thông qua chuỗi sở hữu phức tạp.

Bản án điển hình về sở hữu chéo gián tiếp

Một trong những vụ việc điển hình minh chứng cho sự phức tạp của vấn đề này là Bản án số 210/2020/KDTM-PT ngày 23/11/2020 của Tòa án nhân dân TP. Hà Nội (Bản án “210/2020/KDTM-PT”). Bản án này đã tuyên vô hiệu một hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng TMCP AC và khách hàng, với lý do vi phạm quy định cấm sở hữu chéo gián tiếp thông qua việc cấp tín dụng để mua cổ phiếu của một ngân hàng khác. Vụ án không chỉ phơi bày những “lỗ hổng” trong thực thi pháp luật mà còn đặt ra câu hỏi lớn về trách nhiệm của các TCTD trong việc kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay khi cấp tín dụng cho khách hàng.

Diễn biến vụ việc

Bản án 210/2020/KDTM-PT xuất phát từ một hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng TMCP AC và hai khách hàng cá nhân, ông TTB và bà NGTH. Theo hợp đồng, mục đích vay vốn là “đầu tư, kinh doanh chứng khoán – mua cổ phiếu EIB” (Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam). Tổng số tiền vay là 100 tỷ đồng, và toàn bộ số tiền này đã được sử dụng để mua 5.519.600 cổ phiếu EIB. Sau đó, các cổ phiếu này được cầm cố lại cho chính Ngân hàng AC làm tài sản bảo đảm cho khoản vay.

Trên bề mặt, đây là một giao dịch tín dụng thông thường với mục đích đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, TAND TP. Hà Nội đã phát hiện ra bản chất sở hữu chéo gián tiếp trong vụ việc này. Cụ thể:

– Ngân hàng AC cấp tín dụng cho khách hàng để mua cổ phiếu EIB.

– Khách hàng sử dụng tiền vay để sở hữu cổ phần tại EIB.

– Ngân hàng AC nhận lại cổ phiếu EIB làm tài sản bảo đảm, qua đó gián tiếp nắm giữ quyền lợi liên quan đến EIB.

Nhận định của Tòa án

Phía Ngân hàng AC lập luận rằng việc khách hàng mua cổ phiếu EIB trên sàn giao dịch không phải là “góp vốn” hay “sở hữu trực tiếp”, do đó không vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, Tòa án bác bỏ lập luận này, khẳng định rằng hành vi mua cổ phiếu dù qua sàn giao dịch vẫn dẫn đến việc hình thành sở hữu cổ phần tại một TCTD khác. Khi AC nhận lại cổ phiếu làm tài sản bảo đảm, điều này gia tăng ảnh hưởng của AC đối với EIB, tạo ra hệ quả sở hữu chéo gián tiếp.

Tòa án đã tuyên hợp đồng tín dụng vô hiệu dựa trên Điều 123 Bộ luật Dân sự 2015, với lý do vi phạm điều cấm của Luật các TCTD[1]. Cụ thể, Điều 126 Luật các TCTD 2010 sửa đổi nghiêm cấm ngân hàng cho khách hàng vay để mua cổ phần của ngân hàng khác. Tòa án nhận định rằng, dù Ngân hàng AC không trực tiếp mở tài khoản hay sở hữu cổ phần tại EIB, nhưng việc cấp tín dụng và nhận cổ phiếu EIB làm tài sản bảo đảm đã tạo ra một cấu trúc sở hữu chéo bằng hình thức tín dụng.

Dạng sở hữu chéo gián tiếp thông qua tín dụng – như trường hợp trong Bản án 210/2020/KDTM-PT – càng khiến vấn đề trở nên phức tạp hơn. Thay vì trực tiếp mua cổ phần của nhau, các ngân hàng cấp vốn cho khách hàng (cá nhân hoặc doanh nghiệp) để mua cổ phiếu của một TCTD khác, sau đó nhận lại chính cổ phiếu đó làm tài sản bảo đảm. Nhìn trên bề mặt, đây là các giao dịch hợp pháp, nhưng thực chất, nó tạo ra một vòng tròn sở hữu chéo trá hình, làm gia tăng rủi ro hệ thống.

Bản án này mang ý nghĩa quan trọng trên nhiều khía cạnh. Thứ nhất, bản án khẳng định rõ rằng mọi hành vi cấp tín dụng dẫn đến sở hữu cổ phần tại TCTD khác, dù trực tiếp hay gián tiếp, đều vi phạm pháp luật. Thứ hai, ngân hàng không thể biện minh rằng họ không biết mục đích sử dụng vốn của khách hàng, đặc biệt khi chính ngân hàng nhận lại tài sản mua từ khoản vay làm bảo đảm. Thứ ba, tạo tiền lệ pháp lý và là một cơ sở quan trọng để các tòa án xử lý các vụ việc tương tự trong tương lai, góp phần củng cố kỷ luật trong hệ thống ngân hàng.

Phán quyết của TAND TP. Hà Nội không chỉ ảnh hưởng đến Ngân hàng AC mà còn gửi đi một “thông điệp” rõ ràng đến toàn hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam rằng các giao dịch tín dụng có cấu trúc tương tự – vay vốn để mua cổ phiếu ngân hàng và dùng chính cổ phiếu đó làm tài sản bảo đảm – sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị tuyên vô hiệu. Điều này buộc các ngân hàng phải rà soát lại toàn bộ hoạt động tín dụng của mình, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán.

Ngoài ra, bản án còn đặt ra thách thức về xử lý hậu quả pháp lý khi hợp đồng bị vô hiệu. Hiện nay, việc xác định trách nhiệm hoàn trả vốn, lãi vay hay các chi phí phát sinh vẫn còn nhiều bất cập, dễ dẫn đến tranh chấp giữa ngân hàng và khách hàng.

Giải pháp nào cho các bên liên quan

Chúng tôi cho rằng để giải quyết triệt để vấn đề sở hữu chéo trong ngành ngân hàng, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan lập pháp, cơ quan quản lý và bản thân các TCTD. NHNN với vai trò của mình cần ban hành thông tư hướng dẫn cụ thể về cách xác định “mục đích vay vốn” và “tài sản bảo đảm” trong các giao dịch tín dụng liên quan đến cổ phần ngân hàng. Điều này giúp làm rõ ranh giới giữa các hoạt động đầu tư hợp pháp và hành vi “lách luật” sở hữu chéo. Ngoài ra, NHNN nên chủ động rà soát các giao dịch tín dụng có dấu hiệu sở hữu chéo gián tiếp, đặc biệt là các khoản vay đầu tư chứng khoán được bảo đảm bằng cổ phiếu ngân hàng để có hướng dẫn và phương án xử lý kịp thời. Với các ngân hàng thương mại, cần quy định nghĩa vụ báo cáo định kỳ với NHNN về mọi khoản tín dụng liên quan đến cổ phần TCTD, kể cả thông qua khách hàng, công ty liên kết hoặc bên thứ ba. Đồng thời, bản thân các ngân hàng thương mại cần xây dựng quy trình kiểm soát nội bộ chặt chẽ để đảm bảo rằng vốn vay không được sử dụng sai mục đích, đặc biệt trong các giao dịch liên quan đến cổ phần TCTD. Trong các trường hợp tương tự, việc nâng cao nhận thức và kỹ năng của cán bộ tín dụng trong việc phát hiện và ngăn chặn các hành vi sở hữu chéo gián tiếp là hết sức cần thiết để ngăn chặn các vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra.

Bản án 210/2020/KDTM-PT không chỉ là một phán quyết pháp lý mà còn là “bài học giá trị” đối với các ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Bản án đã khẳng định rõ ràng rằng sở hữu chéo, dù dưới bất kỳ hình thức nào, trực tiếp hay gián tiếp đều tiềm ẩn nguy cơ lớn đối với sự ổn định của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để vấn đề sở hữu chéo, không thể chỉ dựa vào các phán quyết của tòa án. Cần có sự cải cách đồng bộ từ khung pháp lý, cơ chế giám sát đến nhận thức của các bên có liên quan. Chỉ khi đó, hệ thống tài chính Việt Nam mới có thể phát triển bền vững, nâng cao được uy tín không chỉ đối với các khách hàng mà còn các tổ chức đánh giá và xếp hạng quốc tế. Đồng thời, điều này còn giúp hệ thống ngân hàng Việt Nam tránh được những cuộc khủng hoảng tiềm tàng trong tương lai.

[1] Luật các Tổ chức tín dụng 2010, sửa đổi, bổ sung 2017.

Luật sư NGUYỄN VĂN PHÚC

Công ty Luật TNHH HM&P

Nguồn: https://lsvn.vn/so-huu-cheo-ngan-hang-thuong-mai-goc-nhin-tu-thuc-tien-giai-quyet-cua-toa-an-a159534.html

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *