Sốt giá vải không hạt Thanh Hóa

Dù đang rộ vụ, quả vải không hạt Thanh Hóa vẫn có giá bán lẻ lên tới 750.000 đồng một kg, cao gấp đôi năm ngoái và rất hút khách.

Tại một cửa hàng trái cây ở quận 3 (TP HCM), chị Hạnh, chủ tiệm cho biết năm nay nguồn vải không hạt rất hạn chế. “Phải đặt sớm cả tháng mới mua được hàng. Tôi chỉ gom được 300 kg, vừa mở bán là khách lấy hết”, chị nói.

Theo chị Hạnh, mỗi giỏ vải không hạt 2 kg được bán với giá gần 1,5 triệu đồng, tức khoảng 750.000 đồng một kg. Mức này cao gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. “Vải không hạt là ‘đặc sản hiếm’. Để mua được, khách phải đặt trước cả tháng và sẵn sàng trả giá cao”, chị cho hay.

Tại quận 8, chị Trần Thị Ngọc Châu – chủ cơ sở Trái Vườn Tâm Ngọc – cho biết tuy đã nhờ các mối thân quen nhưng chỉ gom được vài tấn, không đủ đáp ứng số đơn đặt trước.

Khách của chị Châu chủ yếu là dân văn phòng và người có thu nhập khá, thường chọn mua để biếu tặng. Nhiều khách sau khi dùng thử đã quay lại mua tiếp, cho biết ấn tượng với hương vị và chất lượng của sản phẩm. “Họ khen vị vải ngọt thanh, cùi giòn, ăn không dính tay, cảm giác như đang thưởng thức thạch”, chị Châu chia sẻ.

Vải không hạt Thanh Hóa được bán tại các cửa hàng ở TP HCM. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Vải không hạt Thanh Hóa được bán tại các cửa hàng ở TP HCM. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo ông Bùi Đức Thủy, Phó giám đốc Công ty Nông nghiệp Công nghệ cao Hồ Gươm – Sông Âm (công ty đang trồng loại vải không hạt), so với năm ngoái, sản lượng loại quả này năm nay giảm 33%, chỉ đạt khoảng 7 tấn, do ảnh hưởng của thời tiết và sâu bệnh.

“Nhiệt độ xuống dưới 20 độ C khi cây ra hoa khiến tỷ lệ đậu quả thấp. Dù vậy, hơn 550 kg vẫn được xuất sang Pháp. Số còn lại không đủ cho nhu cầu trong nước, chúng tôi phải từ chối nhiều đơn hàng”, ông Thủy nói.

Vải không hạt của doanh nghiệp này trồng tại xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa), theo quy trình VietGAP và GlobalGAP. Vùng trồng rộng 40 ha nhưng hiện mới có 20 ha cho thu hoạch. Công ty đặt mục tiêu mở rộng lên 200 ha vào năm 2030. Giá vải tại vườn năm nay đạt 310.000 đồng một kg, sau vận chuyển và đóng gói, giá bán lẻ đội lên 600.000-750.000 đồng một kg.

Vải thiều không hạt (Litchi chinensis) có hình dáng và hương vị khá giống vải thiều truyền thống. Tuy nhiên, điểm khác biệt nằm ở phần hạt loại này gần như không có hoặc chỉ chứa nhân tiêu biến rất nhỏ, chiếm chưa tới 1% thể tích quả.

Trái vải không hạt thường to, mỗi kg chỉ khoảng 25-27 quả. Vỏ có màu đỏ tươi, cùi dày, giòn, dễ tách và khi ăn không bị dính tay. Hàm lượng đường được cho là thấp hơn đáng kể so với giống vải thông thường, mang lại vị ngọt thanh, dễ chịu, không gắt.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, giống vải không hạt này đã được bảo hộ, nhưng chưa thể trồng đại trà. Nguyên nhân là cây khó trồng, tỷ lệ đậu quả thấp, chỉ thích hợp với điều kiện khí hậu và kỹ thuật canh tác nghiêm ngặt.

Hiện nay, giai đoạn tháng 6-7 hàng năm, thế giới có hai nơi trồng vải không hạt là Việt Nam và Trung Quốc. Tại Việt Nam, sản phẩm này đang dần xây dựng thương hiệu và hướng đến phân khúc cao cấp, cả nội địa lẫn xuất khẩu.

Trong khi đó, một lượng nhỏ vải không hạt Trung Quốc cũng đang được nhập về Việt Nam với giá khoảng 600.000-700.000 đồng một kg. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều người bán và khách hàng, vải Việt Nam vẫn được đánh giá cao hơn về độ tươi, hương vị thanh và ít chát.

Thi Hà

Nguồn: https://vnexpress.net/sot-gia-vai-khong-hat-thanh-hoa-4908208.html