‘Tâm hồn đẹp’ của chuyên gia Google giúp bạn trẻ vượt qua rối loạn lo âu

Cô gái từng nhiều năm chiến đấu với rối loạn lo âu đã thành lập Tổ chức phi lợi nhuận Beautiful Mind VN hỗ trợ các bạn trẻ cũng gặp vấn đề như mình, hỗ trợ nâng cao nhận thức cộng đồng về tâm lý học lâm sàng và sức khỏe tâm thần.

rối loạn lo âu - Ảnh 1.

Khánh Linh ở một sự kiện của Google mới đây – Ảnh: NVCC

Hồi tháng 4, Google công bố Nguyễn Khánh Linh không chỉ là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên trở thành Chuyên gia phát triển Google (Google Developer Expert) mà còn là chuyên gia GDE về máy học đầu tiên thuộc lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh trong năm 2025 của hãng. Cô gái Hà Nội sinh năm 1991 này được chọn tham gia chương trình mạng lưới chuyên gia Google Developer Expert.

Nhưng Nguyễn Khánh Linh không chỉ dừng lại bằng chừng đó ngạc nhiên cho mọi người. Cô gái từng vật vã nhiều năm chiến đấu với rối loạn lo âu cho tới khi được chẩn đoán và điều trị tích cực đã vượt qua cuộc vật lộn cá nhân, đứng ra thành lập Tổ chức phi lợi nhuận Beautiful Mind VN để hỗ trợ các bạn trẻ cũng gặp vấn đề như mình và hỗ trợ nâng cao nhận thức cộng đồng về tâm lý học lâm sàng, sức khỏe tâm thần.

Hành trình của “Beautiful mind” Nguyễn Khánh Linh

Đó là năm 2015, Nguyễn Khánh Linh 24 tuổi, đang theo học thạc sĩ kỹ thuật về AI tại Đại học Quốc gia Singapore. Lúc này cô mới được chẩn đoán bị rối loạn lo âu, được điều trị tích cực sau nhiều năm sống với những vấn đề về tâm lý trầm trọng mà không biết mình gặp phải.

Khánh Linh nhớ hồi học lớp 4, lớp 5 cứ sau mỗi kỳ thi học kỳ, Khánh Linh thấy không khỏe, bị mệt, đau đầu, tim đập nhanh, vã mồ hôi. Đôi khi những triệu chứng lại ập đến bất ngờ, Linh sợ hãi không biết mình bị sao. Ở Việt Nam những năm

2005-2007 rất ít tài liệu về những căn bệnh tâm lý, sức khỏe tâm thần, Internet cũng chưa phổ biến. Mỗi lần bị nặng Linh lại vào viện và được kê thuốc bổ.

Cứ như thế, Linh lớn lên cùng những đợt ốm yếu ngày càng có xu hướng nặng hơn khi cô vào đại học. Có những lúc Linh bệnh nặng đến nỗi không ra được khỏi nhà, không muốn đi đâu, sợ hãi đám đông. 

Linh không hiểu vì sao mình lại bị như vậy. Cho tới một ngày cô đi khám bác sĩ và được kết luận bị rối loạn lo âu.

Nhờ được chẩn đoán đúng bệnh, Linh tìm cách điều trị tích cực. Cô tham gia khóa học kiểm soát cảm xúc bản thân, sơ cứu tâm lý để tự áp dụng cho mình. Cô cũng tìm đọc nhiều tài liệu về căn bệnh của mình từ các tài liệu nước ngoài trên Internet.

Rồi Linh được học bổng học thạc sĩ bên Singapore. Ở đây Linh được điều trị tích cực hơn, bắt đầu uống thuốc nghiêm túc và trị liệu tâm lý. Sức khỏe nhờ thế ổn định hơn, Linh có thể học tập và làm việc bình thường.

Chính từ lúc này, Linh tìm đọc nhiều tài liệu về rối loạn lo âu, dịch và đăng tải để chia sẻ với cộng đồng. Một số bạn trẻ khác đang học ngành tâm lý lâm sàng và trị liệu thấy việc làm hữu ích của Linh đã liên hệ để đóng góp những bài viết chuyên sâu hơn về trầm cảm. 

Nhóm dần lớn thêm lên, mạnh hơn, tổ chức được nhiều hoạt động ý nghĩa hơn như sơ cứu tâm lý, trò chuyện miễn phí 1-1 dưới sự giám sát của các chuyên gia với các bạn gặp vấn đề về tâm lý tìm đến nhóm.

Để những tâm hồn đẹp không một mình

rối loạn lo âu - Ảnh 2.

Khánh Linh ở một workshop chia sẻ về chủ đề rối loạn lo âu do Beautiful Mind VN và EzPsychology tổ chức năm 2018 – Ảnh: NVCC

Từ chính trường hợp của mình và quan sát xung quanh, Nguyễn Khánh Linh nhận ra ở Việt Nam những người bị rối loạn tâm lý ở thời điểm 2015-2018 vẫn chưa có sự trợ giúp phù hợp. 

Linh rất may mắn được gia đình, bạn bè hỗ trợ nhưng nhiều người không được may mắn như vậy. Họ bị hiểu sai, bị phán xét chỉ vì nhận thức chung của cộng đồng về tâm lý học lâm sàng (clinical psychology), sức khỏe tâm thần (mental health) và các rối loạn về tâm thần (mental disorders) chưa cao.

Tìm hiểu, Linh được biết ở nước ngoài có rất nhiều tổ chức như Beautiful Mind VN để hỗ trợ các bệnh nhân mắc bệnh tâm lý nhưng ở Việt Nam rất ít sự hỗ trợ này. Các bạn không biết mình bị bệnh, không biết mình cần giúp đỡ, không đi khám. Có người tự tìm hiểu, biết mình bệnh, đi khám thì có khi lại khám sai chỗ, gia đình không giúp đỡ, thấu hiểu.

Định kiến xã hội về các bệnh tâm lý còn lớn nên những người mắc bệnh không chia sẻ nhiều nên bệnh càng nặng hơn. 

Lại thêm việc các cơ sở trị liệu tâm lý ở Việt Nam chưa nhiều, giá thành cao… Tất cả điều này khiến nhiều bệnh nhân mắc bệnh về tâm lý ở Việt Nam chưa nhận được sự hỗ trợ kịp thời.

Là người trong cuộc, Linh hiểu sâu sắc rằng kiến thức, sự cảm thông và không phán xét là thứ mà những người mắc bệnh về tâm lý cần nhiều nhất. Nên Beautiful Mind VN bắt đầu bằng việc tải lên website nhiều tài liệu chính xác về khoa học, cập nhật những nghiên cứu mới trên thế giới về các căn bệnh tâm lý, trầm cảm. 

Những bàn tay giúp nhau vượt lên rối loạn lo âu

Tới nay có những bài đăng của Beautiful Mind VN đã 10 năm mà mọi người vẫn tiếp tục tìm đọc. Linh hiểu rằng đó là những thứ giá trị cho cộng đồng, ngay cả khi Beautiful Mind VN không còn hoạt động tích cực từ sau COVID-19 do Linh và các bạn bận bịu công việc riêng.

Trong gần 10 năm hoạt động của Beautiful Mind VN, khoảng 1.000 bạn trẻ gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần đã được hỗ trợ về tài liệu đáng tin cậy, được trò chuyện, sơ cứu tâm lý, được chìa một bàn tay giúp đỡ. Nhiều buổi workshop, tọa đàm về các vấn đề tâm lý cũng được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về sức khỏe tâm lý.

Có nhiều bạn nhờ được giúp đỡ đúng lúc và cần thiết hiện đã trở lại cuộc sống bình thường, lập gia đình, đi làm. Một số bạn quyết định theo đuổi ngành tâm lý chuyên sâu. Không ít bạn vẫn tiếp tục liên lạc với các thành viên Beautiful Mind VN, một số trở thành bạn bè với nhóm. Họ không quên Beautiful Mind VN đã chìa bàn tay kéo họ ra khỏi hố sâu tuyệt vọng.

Những lời cảm ơn Linh và các bạn nhận được khiến Linh thật sự vui. Cô đang xem xét sắp xếp thời gian trong cuộc sống siêu bận bịu của một giám đốc AI công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon để đưa Beautiful Mind VN hoạt động tích cực trở lại.

Khánh Linh và các bạn chọn tên cho tổ chức của mình là Beautiful Mind VN, dựa theo tên của bộ phim A Beautiful Mind, một bộ phim đặc sắc và thấm đẫm tinh thần nhân văn về cuộc đời của nhà toán học nổi tiếng John Nash – người được giải Nobel Kinh tế với lý thuyết trò chơi.

Cái tên để gửi gắm ước vọng của nhóm muốn mang đến những giá trị nhân văn cho cộng đồng, đặc biệt là những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, giống như giá trị nhân văn mà bộ phim A Beautiful Mind mang lại.

Nguồn: https://tuoitre.vn/tam-hon-dep-cua-chuyen-gia-google-giup-ban-tre-vuot-qua-roi-loan-lo-au-20250728085231911.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *